Xã hội
Kỹ năng giao tiếp - Giải pháp phục hồi cho người bệnh tâm thần
06:39 AM 11/10/2017
Bệnh tâm thần mạn tính là căn bệnh cướp đi cuộc sống bình dị của biết bao con người, không loại trừ bất kỳ ai, căn bệnh đã làm hại sức khỏe, tinh thần, cảm xúc, đặc biệt là đối với tư duy của bệnh nhân, nhiều người bệnh đã mất đi khả năng nhận thức mọi thứ xung quanh, họ đã sống với sự kỳ thị của xã hội, của sự xa lánh. Nhận thức tầm quan trọng của việc giao tiếp đối với người bệnh từ ngày 05/6/2017 đến nay, Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã triển khai các giải pháp nâng cao kỹ năng giao tiếp cho người bệnh.
Nhân viên phòng nghiệp vụ công tác xã hội hướng dẫn bệnh nhân giao tiếp.
Người bệnh tâm thần giao tiếp theo xu hướng độc thoại, nói nhiều, các câu nói vô thức, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc các thể bệnh về hoang tưởng. Bên cạnh đó mỗi bệnh nhân có một đặc điểm, trạng thái bệnh khác nhau, nhưng hầu hết bệnh nhân đều có sự hạn chế trong giao tiếp, người bệnh tách khỏi cuộc sống xung quanh, thu dần vào thế giới nội tâm của riêng họ, ngại tư duy, ngại giao tiếp, ngại nói chuyện mọi người xung quanh. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp đối với 585 bệnh nhân tâm thần mạn tính tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội  không đòi hỏi phải đạt đến chuẩn mực của kỹ năng giao tiếp xã hội, mà chỉ đạt đến mục đích giúp bệnh nhân có được sự chủ động trong giao tiếp, tương tác hàng ngày giữa bệnh nhân với cán bộ, bệnh nhân với bệnh nhân.
Hiện nay, các bệnh nhân tại Trung tâm đang được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến phục hồi chức năng qua trị liệu lao động, âm nhạc, thể dục thể thao, đọc sách…Kỹ năng giao tiếp là một hình thức trợ giúp mới được và xác định là một nội dung khó khăn nhất trong quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh..
 Thực hành giao tiếp giữa bệnh nhân với bệnh nhân.
Xác định trước những khó khăn, nhưng với niềm tin và quyết tâm cao nhóm cán bộ phòng Nghiệp vụ công tác xã hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động kỹ năng giao tiếp cơ bản thông qua tổ chức hoạt động giao tiếp nhóm với nhiều tình huống khác nhau từ nội dung đơn giản như: Chào hỏi làm quen với nhóm; Hướng dẫn bệnh nhân cách giao tiếp với cán bộ, với người nhà; Thảo luận về một chủ đề liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày để giúp người bệnh thoải mái trong giao tiếp, vui vẻ, tự tin, chủ động hòa nhập với mọi người.
Trò chuyện với chị Đỗ Thị Hằng - Nhân viên Công tác xã hội phụ trách hoạt động giao tiếp cho bệnh nhân chia sẻ: “Bệnh nhân nếu không tiếp xúc chúng ta dễ đánh giá nhầm họ lu mờ nhận thức nhưng khi cùng người bệnh hoạt động chúng tôi đã phát hiện ra chắc ẩn bên trong mỗi người bệnh, họ có những câu chuyện riêng, đều hiểu mọi thứ xung quanh nhưng không muốn chia sẻ và nói ra. Qua 3 tháng tham gia nhóm giao tiếp hầu hết bệnh nhân đều tiến bộ, nhưng rất chậm vì họ sống trong thế giới một mình họ quá lâu, không thể trong thời gian ngắn có thể khiến họ hoạt bát trở lại được”.
Bộc bạch về điều khó khăn nhất trong quá trình hướng dẫn bệnh nhân chị nói:“ Khó khăn khách quan là nhiều người cho rằng bệnh nhân tâm thần có biết gì mà giao tiếp, hoặc đã tâm thần rồi thì cần gì phải giao tiếp…. còn khó khăn chủ quan từ phía bệnh nhân là khi thực hiện hoạt động giao tiếp nhiều bệnh nhân không tập trung, chú ý khi mình nói. Một nội dung khi hướng dẫn mình phải nói đi nói lại rất nhiều lần bệnh nhân mới nghe và nhắc lại được. Nếu ai không kiên nhẫn, thiếu nhiệt huyết thì chắc là sẽ không thể làm được công việc này đâu…”.
Việc mang lại sự chủ động, tự tin hòa nhập với cuộc sống xung quanh cho người bệnh tâm thần là một việc làm rất khó, đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ của người cán bộ trong quá trình trợ giúp bệnh nhân. Đây cũng chính là sự lỗ lực xây dựng hình ảnh “Người cán bộ thân thiện” trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp và thân thiện.
PV
Từ khóa: