Xã hội
Lai Châu: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
09:30 AM 24/08/2023
(LĐXH) - Thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, trình độ và các kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.
Xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội, giúp học viên có nhiều cơ hội việc làm. Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các địa phương trong tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố chú trọng đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhờ vậy, năm 2022, toàn tỉnh Lai Châu mở được 281 lớp, với trên 8.500 học viên, ngành nghề đào tạo chủ yếu về sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, gò hàn nông thôn, điện dân dụng; vận hành máy thi công nền; xây dựng dân dụng; kỹ thuật cắt may; trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây dược liệu… Trong đó, nghề nông nghiệp chiếm 76,21%, nghề phi nông nghiệp 23,79%. Các lớp đào tạo chủ yếu theo hình thức tập trung đối với trình độ sơ cấp, trung cấp và đào tạo lưu động tại các xã, bản, phường, thị trấn.
Lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chăn nuôi gà cho lao động nông thôn ở huyện Phong Thổ
Thời gian qua, UBND thành phố Lai Châu đã chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các xã, phường tuyên truyền, vận động, chiêu sinh, nắm bắt nhu cầu thị trường, tư vấn đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động; lựa chọn đơn vị đào tạo phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố theo hướng chuyển đổi từ đào tạo nghề nông nghiệp sang đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: Pha chế đồ uống, thêu dệt thổ cẩm, kinh doanh thương mại và các lớp kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm… đáp ứng phù hợp cho nguồn cung lao động thị trường. Năm 2022, thành phố Lai Châu đã mở được 12 lớp đào tạo cho 350 lao động. Trong đó, đào tạo theo quyết định 1956 là 8 lớp với 235 lao động; đào tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 4 lớp với 115 lao động.
Sau học nghề, các học viên đã được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề để trực tiếp tham gia lao động mạnh dạn vay vốn mở rộng mô hình hiện có của gia đình, một số tham gia vào nhóm hộ trồng rau tại bản Tả Sin Chải, phường Đông Phong, chăn nuôi trâu, ngựa, thêu dệt thổ cẩm tại xã Sùng Phài. Mô hình trồng nấm ở phường Đoàn Kết, Quyết Thắng; phát triển dịch vụ thương mại gắn với dịch vụ du lịch tại xã San Thàng… Qua đó, giúp nhiều hộ gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đẩy nhanh mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm xuống còn 1,84%, thành phố Lai Châu đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,68%; phấn đấu không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Tại huyện Nậm Nhùn, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo, người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, góp phần tạo việc làm, thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân và đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện Nậm Nhùn có quy mô dân số khoảng trên 28 nghìn người và hơn một nửa dân số trong độ tuổi lao động. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm khoảng 39%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 6%. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện.  Để triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, kịp thời mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động.
Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và các xã, thị trấn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; Tập trung phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hiệu quả của học nghề; các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm và cả các trường hợp cụ thể đã có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học nghề. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty, doanh nghiệp tư vấn, tuyên truyền tại các cuộc họp bản, trên hệ thống loa truyền thanh về công tác xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn; giới thiệu một số đơn hàng xuất khẩu lao động.
Trong năm 2022, huyện đã đào tạo nghề cho 600 lao động góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 52%, giải quyết việc làm cho 601 lao động. đạt 122.7% kế hoạch. Mục tiêu của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 của huyện là đào tạo nghề ngắn hạn cho 600 lao động; tạo việc làm mới cho khoảng 550 lao động; đưa các lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo 55%. Tính đến hết năm 2022, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người 33 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm.
Có thể thấy, đào tạo nghề đã giúp trang bị các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để người lao động áp dụng vào quá trình làm việc, giúp tăng thu nhập, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương./.
Minh Cảnh
Từ khóa: