Lai Châu: Tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo
(LĐXH) – Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn.
Dân số toàn tỉnh có 96.851 hộ dân với khoảng 456.000 người, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 85%, gồm 20 dân tộc. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh từng bước được nâng lên. Từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn ưu đãi, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu nơi vùng đất khó.
Đa dạng các giải pháp
Ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cùng với các chương trình của Chính phủ như Chương trình 135 dự án 1,2 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Lự, Si La, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…, tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tích cực lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập để người nghèo thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các đối tượng thụ hưởng ngày càng được thực hiện đa dạng về nội dung, hình thức... Qua đó giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Thông qua các chính sách như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... đã từng bước giải quyết nhu cầu của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh còn đầu tư mới thêm 62 công trình, duy tu bảo dưỡng 56 công trình (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường lớp học thuộc các huyện nghèo); hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho gần 118.600 hộ; hỗ trợ khai hoang tạo nương rẫy cố định cho 170 hộ; hỗ trợ 167 dự án phát triển sản xuất; nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố... Ngoài ra, đã có 36 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất...
Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, chương trình xóa đói giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ, giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm , 90% số thôn, bản có đường giao thông nông thôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm, 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%; toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 0,89 tiêu chí/xã so với cuối năm 2018; có hai huyện Tân Uyên và Than Uyên được công nhận ra khỏi huyện nghèo, 13 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh vận động được hơn 25 tỷ đồng. Ban Cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động, tiếp nhận được trên 26,7 tỷ đồng cùng với nhiều hàng hóa, hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn để cứu trợ kịp thời đến hộ gia đình khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các ngành vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được số tiền trên 6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã hỗ trợ, làm mới và sửa chữa trên 1.000 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; giải quyết công ăn việc làm mới cho 4.132 lao động; tổ chức đào tạo nghề cho 2.800 lao động; hỗ trợ 72.993 suất quà, phân bổ 674.595 tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2019 cho các huyện. Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo được trợ giúp khi gặp khó khăn đột xuất; được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, khám chữa bệnh miễn phí. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tặng học bổng, thăm hỏi tặng quà trong các dịp lễ tết, kịp thời động viên thăm hỏi những gia đình bị thiên tai, hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống...
Với các giải pháp quyết liệt được triển khai, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,86% (riêng các huyện nghèo giảm 5,30%), đạt 143,7 % kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 24,98% đầu năm 2019 xuống còn 20,12%.
Quyết tâm giảm nghèo trên vùng đất khó
Sìn Hồ là huyện nằm trong Chương trình 135/CP và 30a của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững). Với địa hình tương đối phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu gồm 21 xã, 1 thị trấn, 233 bản và khu phố, trong đó có 5 xã, thị trấn thuộc khu vực II; 17 xã thuộc khu vực III; 178 bản đặc biệt khó khăn. Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên ổn định cuộc sống.
Trong tổng số 16.044 hộ thì có khoảng 6.574 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 40,97%, hộ cận nghèo 1.761 hộ, chiếm tỷ lệ 10,98 %. Ngoài địa hình đi lại khó khăn, thời tiết ở huyện vùng cao Sìn Hồ còn diễn biến phức tạp, thường có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng gây thiệt hại lớn về người, tài sản, vật nuôi, cây trồng của người dân... Tuy nhiên, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã đã thực hiện nhiều giải pháp như thành lập Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định hướng phát triển kinh tế. Từ các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ, tỉnh, UBND các xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức cấp phát giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng có giá trị kinh tế cao như trồng hoa, cây dược liệu, cây công nghiệp (cao su, mắc ca...), cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận...) và nuôi cá nước lạnh..., thu nhập bình quân đạt trên 23 triệu đồng/người. Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân xã đạt 14 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 39%, giảm bình quân từ 4-5%/năm...
Tương tự Sìn Hồ, Nậm Nhùn cũng là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo cũng được huyện chú trọng bằng việc đề ra nhiều giải pháp như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, khai hoang ruộng đất, hỗ trợ cho các hộ nghèo tổ chức các lớp tập huấn về phát triển kinh tế… Nhiều mô hình như gieo trồng lúa năng suất cao ở các xã: Hua Bum, Nậm Hàng; nuôi gà, vịt ở Nậm Ban; nuôi lợn sinh sản ở thị trấn Nậm Nhùn... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, vận động bà con thi đua lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao đời sống. Huyện cũng vận dụng hiệu quả và tối ưu hoá các nguồn lực từ các chương trình, dự án như 30a, 135 để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo. Đến nay, toàn huyện có khoảng 500 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 5,5%/năm.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, thực tế, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo nhưng kết quả vẫn chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh còn cao; nhiều hộ thoát nghèo lại rơi vào hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các dân tộc; nguồn lực cho công tác giảm nghèo còn hạn chế. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.451 hộ nghèo và 3.215 hộ cận nghèo mới phát sinh; có 253 hộ tái nghèo và 253 hộ cận nghèo. Huyện có số hộ tái nghèo, cận nghèo cao nhất là Phong Thổ (99 hộ tái nghèo, 143 hộ tái cận nghèo, huyện cao thứ hai là Nậm Nhùn (52 hộ tái nghèo, 73 hộ cận nghèo)…
Trong thời gian tới, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp như nâng cao nhận thức, thể chế, chính sách, công tác tổ chức thực hiện và nguồn lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để người nghèo không còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm huy động tối đa cho nguồn lực giảm nghèo, đảm bảo cho người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ và kịp thời các chương trình, chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thục Quyên
Từ khóa:
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46