Xã hội
Lâm Đồng: Chủ động, kịp thời phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo
09:08 PM 22/09/2023
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện.
Hộ nghèo được hỗ trợ vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo để phát triển sản xuất, chăn nuôi
Năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 26.924 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 1.071 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 25.853 triệu đồng), trong đó: Ngân sách trung ương: 22.481 triệu đồng; Ngân sách địa phương 3.372 triệu đồng. Tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các địa phương và sở, ban, ngành liên quan triệu khai thực hiện; nguồn vốn được phân bổ, tập trung chủ yếu thực hiện các dự án nâng cao năng lực, truyền thông giảm nghèo, kiểm tra, giám sát đánh giá chương trình, giải quyết việc làm…
Trong năm 2023, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 61.430 triệu đồng; Vốn đối ứng của ngân sách địa phương 9.200 triệu đồng; Vốn tín dụng 300.000 triệu đồng.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, nguồn vốn được phân bổ theo cơ chế bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý, tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Ưu tiên bố trí vốn cho địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; số hộ nghèo, hộ cận nghèo cao góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các địa bàn trong toàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ nguồn vốn của Chương trình.
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn toàn tỉnh, công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94%; 11.601 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%. Trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.594 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%.
Thành phố Đà Lạt không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2021; có 03 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% gồm: thành phố Bảo Lộc (0,41%), huyện Đơn Dương (0,07%) và huyện Đạ Huoai (0,48%); 06 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% gồm các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Cát Tiên; 01 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo trên 5% (huyện Đam Rông 6,92%).
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của địa phương, đó là: Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023; 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ đoàn thể được tập huấn kiến thức cơ bản về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án; 100% số xã có cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền nội dung giảm nghèo; 90% các hộ dân thuộc địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn được tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, sách, ấn phẩm truyền thông…/.
Nguyễn Minh Anh
Từ khóa: