Xã hội
Lâm Đồng: Hiệu quả từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
02:05 PM 29/10/2023
(LĐXH)-Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân, công tác giảm nghèo ở Lâm Đồng đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh còn 5,34%. Dự kiến trong năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5%, đạt kế hoạch đề ra.
Hướng dẫn hộ nghèo mô hình nuôi tằm
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện; xây dựng Kế hoạch 5 năm, hàng năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sở kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện Chương trình. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình. Nhìn chung, các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai lồng ghép với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá Chương trình, hoạt động đào tạo nghề, nâng cao năng lực, thông tin tuyên truyền về các Chương trình MTQG.
Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng huy động nguồn vốn khác cho công tác giảm nghèo như nguồn vốn tín dụng chính sách được bố trí đủ để cho vay phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của hộ nghèo. Đặc biệt, để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, UBND tỉnh đa ban hành Kế hoạch 1138/KH-UBND ngày 24/2/2023 về vận động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu vận động các sở, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác giảm nghèo năm 2023. Theo đó, các sở, ngành cấp tỉnh đã hỗ trợ cho 165 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 3,3 tỷ đồng (20 triệu đồng/hộ). Các huyện, thành phố cũng đã vận thêm các nguồn hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo của địa phương với tổng kinh phí tính đến tháng 8/2023 khoảng 9 tỷ đồng.
Song song với đó, thông qua nguồn Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động đã hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, năm 2022 đã hỗ trợ cho 7 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 19,7 tỷ đồng. Năm 2023, thực hiện Kế hoạch 1138/KH-UBND của UBND tỉnh, tính đến tháng 8/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động được khoảng 7 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể nói, việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn. Trên cơ sở đó, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hàng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, cận nghèo trong năm; không còn hộ chính sách người có công là hộ nghèo. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội sẽ góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục đào tạo và nước sinh hoạt và vệ sinh.../.
Thu Hượng
 
 
 
Từ khóa: