Lâm Đồng nghiêm túc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm
(LĐXH) - Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch, phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống mại dâm nói riêng một cách đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả.
Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, Lâm Đồng có khoảng 400 người bán dâm; khoảng 800 nhân viên nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (massage, karaoke, bar), đa số là người ngoài tỉnh. Người bán dâm chủ yếu là một số tiếp viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc sử dụng môi trường internet, mạng xã hội để hoạt động, chào mời, thỏa thuận việc mua bán dâm.
Thực tế cho thấy, các cơ sở dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng. Toàn tỉnh hiện có 2.585 cơ sở lưu trú; 261 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage; 595 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội (305 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; 184 cơ sở karaoke, massage, bar và 106 loại hình khác).
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tệ nạn mại dâm, tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm. Từ năm 2003 đến nay, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp tổ chức kiểm tra 3.233 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 435 lượt cơ sở với số tiền 1.009 triệu đồng; rút giấy phép, đình chỉ hoạt động 107 cơ sở; cảnh cáo nhắc nhở 914 cơ sở. Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp đã yêu cầu tất cả các cơ sở được kiểm tra hoàn thiện hồ sơ, khắc phục các điều kiện kinh doanh, cam kết không để xảy ra hoạt động mại dâm, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác phòng ngừa pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm.
Lực lượng chức năng của Lâm Đồng cũng thường xuyên tổ chức các đợt truy quét tập trung số người hoạt động mại dâm công cộng đưa vào cơ sở chữa bệnh để giáo dục, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, từng bước ngăn chặn, kìm chế được tốc độ phát sinh của tệ nạn mại dâm. Từ năm 2003 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 81 đợt truy quét mại dâm công cộng, răn đe 248 lượt người mại dâm nơi công cộng. Tuy nhiên số cơ sở kinh doanh dịch vụ không giảm, số đối tượng nguy cơ cao từ nơi khác đến lưu trú có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh dó, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh điều tra, phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhiều tụ điểm hoạt động mại dâm. Từ năm 2003 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 107 vụ, bắt giữ 533 đối tượng vi phạm, đã khởi tố 105 đối tượng có hành vi môi giới, chứa mại dâm; xử phạt hành chính 428 đối tượng có hành vi mua, bán dâm. Trong các vụ việc đã phát hiện, đấu tranh xử lý đều là các vụ việc mang tính nhỏ lẻ, mức độ cấu kết giữa người môi giới và người bán dâm không chặt chẽ, chưa phát hiện có dấu hiệu cấu kết hình thành băng nhóm tổ chức, môi giới, bảo kê, chăn dắt gái mại dâm, hoạt động mại dâm cao cấp.
Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm, Lâm Đồng cũng chú trọng đến công tác giúp cho người hoạt động mại dâm tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả. Các đơn vị chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, quản lý, giúp đỡ, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn nếu có nhu cầu để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đồng thời, xây dựng các mô hình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người hoạt động mại dâm được dễ dàng tiếp cận các dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tổ chức các chương trình hỗ trợ như cung cấp bao cao su miễn phí, xét nghiệm HIV cho người bán dâm, người có nguy cơ và nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm thông qua các cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã.
Từ nguồn kinh phí Trung ương, đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng xây dựng, triển khai thí điểm mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm”. Sau 01 năm triển khai thực hiện thí điểm, nhân rộng mô hình tại Phường 3 (thành phố Đà Lạt) và Phường 2 (thành phố Bảo Lộc), đã tổ chức thành lập được mỗi câu lạc bộ hơn 30 người/mô hình để hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng. Các câu lạc bộ đã giám sát, giúp đỡ 36 người nhiễm HIV; tư vấn cho 42 số đối tượng nghi ngờ hoạt động mại dâm tham gia vào các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; lập danh sách quản lý 53 gái bán dâm, tiếp viên nghi hoạt động mại dâm tại khu vực công cộng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà trọ, 03 người bán dâm hoàn lương, 23 người nghi ngờ hoạt động mại dâm đã có việc làm.
Thông qua tiếp cận viên đồng đẳng, tình nguyện viên, cộng tác viên, nhiều người đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, nghề nghiệp, việc làm,… giúp họ không bị kỳ thị và hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và phòng, chống lây nhiễm HIV ra cộng đồng dân cư. Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh có 3.810 lượt người bán dâm được tiếp cận, hỗ trợ, trong đó có: 383 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 796 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 101 người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm; 20 người được vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn là 375 triệu đồng; 10.620 lượt người có nguy cơ được tiếp cận chương trình bao cao su miễn phí, số bao cao su được phát 165.811 cái; 492 lượt người có nguy cơ được xét nghiệm HIV, không có trường hợp nào dương tính.
Theo đánh giá, trải qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003-2023), đến nay, tệ nạn mại dâm ở tỉnh Lâm Đồng đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi; số tụ điểm mại dâm công cộng không còn, cơ bản đã xóa bỏ hoàn toàn được tình trạng mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng; hoạt động mại dâm trá hình giảm; nhận thức của một bộ phận người dân trong phòng, chống mại dâm được nâng cao, không còn kỳ thị, xa lánh phân biệt đối xử với nhóm người bán dâm, từ đó vận động họ tham gia sinh hoạt vào các tổ chức xã hội và dần dần hòa nhập cộng đồng; số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm được ngăn chặn và kéo xuống, đặc biệt không có mại dâm trẻ em, người chưa thành niên, từ đó góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh, trật tự trên toàn địa bàn tỉnh./.
Mỹ Anh
Từ khóa:
công tác phòng chống tệ nạn mại dâm
-
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
21-11-2024 17:39 15
-
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
21-11-2024 15:47 57
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
23-09-2024 12:15 30
-
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
02-10-2024 12:06 10