Xã hội
Lâm Đồng nỗ lực triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững
02:58 PM 09/03/2023
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, cả hệ thống chính trị ở Lâm Đồng đã vào cuộc, với những đánh giá sâu sát điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn trong giảm nghèo. Từ các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, cải thiện sinh kế, Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hiệu quả.

Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân và huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác giảm nghèo trên địa bàn. Theo đó, công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành đã triển khai kịp thời, đồng bộ các chính sách an sinh xã hội và các chương trình, dự án khác đối với vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo; tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, huy động toàn xã hội tham gia giúp vùng nghèo, mang lại nhiều kết quả thiết thực và được người dân đồng tình ủng hộ.

Trong năm 2021 và 2022, các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng. Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã triển khai kết nối, hỗ trợ việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, tính đến tháng 12/2022 đã giải ngân hơn 1,8 tỷ đồng.

Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một nhiệm vụ được địa phương quan tâm thực hiện

Bên cạnh đó, hoạt động cải thiện dinh dưỡng được chú trọng, truyền thông và giảm nghèo thông tin đã giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giảm nghèo ở các địa phương. Từ đó khơi dậy tinh thần tự lực, vươn lên của người nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến về giảm nghèo để lan tỏa trong xã hội, đảm bảo thực hiện chương trình đúng đối tượng, hiệu quả và bền vững.

Đến nay, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 5,34%, tương ứng 18.237 hộ (hộ nghèo 6.636 hộ và hộ cận nghèo 11.601 hộ). Trong đó, 1.204 hộ nghèo và 1.142 hộ cận nghèo không có khả năng lao động; 16.014 hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là hội viên của các hội, đoàn thể (Hội Cựu chiến binh 227 hộ; Đoàn Thanh niên 1.724 hộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 3.379 hộ; Hội Nông dân 10.684 hộ). Tỷ lệ nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 14,22%, tương ứng 11.454 hộ. Trong đó, TP Đà Lạt không còn hộ nghèo từ năm 2021; các địa phương như TP Bảo Lộc, huyện Đơn Dương, huyện Đạ Huoai, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

Ngày 22/2, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 1215/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là tiếp tục thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế để hỗ trợ người nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 24/2021/NQ ngày 28/7/2021 của Quốc hội; Quyết định số 382 và Quyết định 2417 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Kế hoạch cũng xác định các chỉ tiêu cụ thể như sau: Tỷ lệ nghèo đa chiều (bao gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm từ 1,0 - 1,5% (tương ứng giảm từ 3.415 - 5.125 hộ). Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,5 - 3% (tương ứng giảm từ 2.014 - 2.416 hộ). Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia  giảm nghèo bền vững trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch vận động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn của UBND tỉnh, Lâm Đồng sẽ vận động hỗ trợ ít nhất 3.415 hộ, nghèo, cận nghèo (trong đó có 2.014 hộ đồng bào dân tộc thiểu số) với kinh phí hỗ trợ khoảng 68,3 tỷ đồng.

Người dân được tiếp cận giống, cây trồng vật nuôi, cùng với những tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, cuộc sống từng bước ổn định

Để đạt mục tiêu trên, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh phải xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp. Từ đó xây dựng chương trình thực hiện phù hợp; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; phối hợp và tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo…

Các sở, ngành, tổ chức chính trị cấp tỉnh hỗ trợ trực tiếp về nguồn lực tài chính; đồng thời, chịu trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp phương thức hỗ trợ sinh kế đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo mà không ảnh hưởng đến Quỹ Vì người nghèo các cấp. Định lượng cụ thể nguồn lực vận động cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể theo từng nhóm. Đây được đánh giá là một trong những cách làm đổi mới, bên cạnh các nguồn lực xã hội thì tổ chức vận động các sở, ngành, tổ chức, đơn vị để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; phấn đấu đạt hoặc vượt chỉ tiêu về giảm nghèo đa chiều được giao.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu tuyên truyền nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gắn nhiệm vụ hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong nhân dân về mục tiêu giảm nghèo, gắn với Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai thực hiện.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo có các thành viên trong hộ còn khả năng lao động nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế ổn định; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trong hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu thoát nghèo bền vững. Vận động những hộ dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn nhận đỡ đầu, hướng dẫn và tham gia sản xuất cùng với hộ nghèo, hộ cận nghèo để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh... Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu lao động hoặc không còn khả năng lao động thì thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách có liên quan theo quy định; phân công các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ; huy động các tổ chức, cá nhân, nguồn lực tại cộng đồng để hỗ trợ trực tiếp, đảm bảo hộ gia đình tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản...

Trần Huyền

 

Từ khóa: