Lạng Sơn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho Nhân dân
(LĐXH) – Năm 2022, các cấp, các ngành của tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp để tạo thêm việc làm; Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Chăm lo đảm bảo ổn định đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, gia đình chính sách… góp phần đưa kinh tế - xã hội tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh ngiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 129 tỷ đồng (Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hơn 54 tỷ đồng; theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg hơn 74,4 tỷ đồng). Chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg được tỉnh chỉ đạo sát sao với phương châm đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút gọn trình tự, thủ tục để bảo đảm giúp người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Kết quả, đã có 331 người lao động đủ điều kiện được phê duyệt hỗ trợ với số tiền gần 500 triệu đồng (đạt tỷ lệ 33,1% so với số người dự kiến là 1.000 người).
Xác định, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, như: Hỗ trợ vay vốn học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tính đến cuối năm 2022, ước giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động, đạt 113,3% kế hoạch, trong đó: Thông qua chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 7.000 lao động với 5.534 lao động được giải quyết việc làm bền vững, khoảng 1.500 lao động được hỗ trợ thực hiện dự án vay vốn; trên 3.000 lao động được tạo việc làm mới từ chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch, phát triển doanh nghiệp của tỉnh, trong đó có trên 500 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan); trên 7.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn ước tuyển sinh và đào tạo cho 19.436 người, trong đó: Cao đẳng: 352 người; Trung cấp: 2.334 người; Sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng: 16.750 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, đạt 100% so với kế hoạch.
Những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xã hội, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách và có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công. Hiện toàn tỉnh có 33.000 người có công. Trong năm, tỉnh đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 45.552 lượt đối tượng với kinh phí gần 85 tỷ đồng; Tiếp nhận, giải quyết trên 1.500 hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân, người hoạt động kháng chiến; Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 593 nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hỗ trợ người có công nâng cao mức sống; kết quả đến nay đã thực hiện hỗ trợ được 11 hộ thoát nghèo, 09 hộ thoát cận nghèo (toàn tỉnh hiện còn 09 hộ nghèo và 81 hộ cận nghèo thuộc diện chính sách).
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa, thiết thực. Cụ thể như: Đưa 36 đại biểu người có công đi “thăm lại chiến trường xưa” và thân nhân liệt sĩ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; Tổ chức hội nghị biểu dương 75 người có công và biểu dương 20 tập thể, cá nhân làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; Đưa 28 đại biểu người có công tiêu biểu về thăm Thủ đô Hà Nội, thăm viếng khu di tích lịch sử Đá Chông K9, gặp mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH; Tổ chức đưa 06 đại biểu người có công tiêu biểu dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc; Phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức gặp mặt đại biểu gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng và tặng 100 suất quà với trị giá 220 triệu đồng; Đồng loạt tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh thu hút 6.000 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân tham dự. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh đã thực hiện thăm hỏi, tặng 22.830 lượt quà tặng cho người có công và gia đình chính sách với tổng kinh phí gần 13,9 tỷ đồng. UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng 8.393 suất quà, kinh phí gần 4,3 tỷ đồng.
Công tác chăm lo cho hộ nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nhận được sự quan tâm tích cực của các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở... từ đầu năm 2022, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo tại các huyện, thành phố. Dự kiến đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 3% xuống còn 9,20% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 5.785 hộ nghèo, ước đạt 100% kế hoạch đề ra.
Đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi cũng ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh đã tổ chức chúc thọ cho 7.759 người cao tuổi với tổng kinh phí thực hiện gần 05 tỷ đồng; Tổng số người cao tuổi có thẻ BHYT là 74.652 cụ đạt 82,74%; Có 2.576 người cao tuổi tham gia công tác đảng, công tác chính quyền tại cơ sở.
Hiện toàn tỉnh có gần 35.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 112 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong năm, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống Bưu điện cho 30.895 lượt người; Ước kinh phí chi trả trợ cấp Bảo trợ xã hội năm 2022 là hơn 194 tỷ đồng. Thực hiện cứu đói cho các hộ gia đình trên địa bàn, tổng số 4.683 hộ (15.572 nhân khẩu) với 233.580 kg gạo, kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng đồng. Tổ chức chuyển quà của UBND tỉnh đến 1.730 gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; 524 đối tượng bảo trợ xã hội, trị giá 414,4 triệu đồng... Thực hiện chuyển quà tặng từ tỉnh, huyện, xã và các nguồn xã hội hóa, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân cho 29.193 người, trị giá quà tặng 15,489 tỷ đồng.
Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Các chế độ chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, các quyền tham gia của trẻ em đã được chú trọng quan tâm. Từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tỉnh đã hỗ trợ cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 với tổng trị giá 300 triệu đồng; thăm, tặng quà trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6/2022) trị giá suất quà 5 triệu đồng; hỗ trợ cho 04 trẻ em là con sản phụ bị nhiễm COVID-19.
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, xác định các khu vực nguy hiểm thường xảy ra tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ đuối nước ở trẻ em để có biện pháp, chủ động phòng ngừa kịp thời như làm rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực sông, hồ, đập... Phối hợp Sở Y tế, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E Hà Nội, Tổ chức THE VINACAPTTAL FOUNDATION tổ chức khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho 5.017 trẻ em tại huyện Bắc Sơn, Chi Lăng và Đình Lập; trong đó có 17 trẻ em được phát hiện mắc bệnh tim 17; 09 trẻ được chỉ định can thiệp phẫu thuật. Phối hợp với Trung tâm II (Trực tiếp hỗ trợ trẻ em khuyết tật) và Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn khám sàng lọc các dạng bệnh dị tật và khuyết tật cho 292 trẻ và 129 trẻ em khuyết tật được chỉ định phẫu thuật. Triển khai, thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2022, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhân bản 05 clip sản phẩm truyền thông “Hãy lên tiếng; 3 bước giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục; Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; Biệt đội công nhí - tự bảo vệ mình khỏi xâm hại tình dục; Thư gửi bố mẹ” do Cục Trẻ em xây dựng phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo... đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Từ những kết quả đạt được cho thấy, công tác bảo đảm an sinh xã hội đã nhận được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, ngành, đoàn thể và Nhân dân.
Với mục tiêu của tỉnh, xuyên suốt là cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau, trong thời gian đến, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu tỉnh đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tinh thần khởi nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thể thao, tăng mức cung ứng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội để tăng mức hưởng thụ và nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Bảo đảm đa số người dân có việc làm bền vững, bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng hệ thống các dịch vụ xã hội của tỉnh về y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, nhà ở, môi trường... Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần bảo đảm ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh./.
Phạm Đức Huân – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Từ khóa:
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46