Lạng Sơn đẩy mạnh công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020
(LĐXH)- Giai đoạn 2016 - 2020, Lạng Sơn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá - xã hội; đẩy mạnh công tác giảm nghèo.
Đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn cho thấy: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,65%, trong đó ngành nông lâm nghiệp tăng 3,62%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,86% (công nghiệp tăng 8,84%, xây dựng tăng 11,47%), dịch vụ tăng 10,76%. Năm 2015, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế là: Nông lâm nghiệp chiếm 26,12%, công nghiệp - xây dựng 19,51%, dịch vụ 54,37%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 34,76 triệu đồng (gấp 2,1 lần so với năm 2010), tương đương 1.620 USD.
Riêng về lĩnh vực an sinh xã hội, theo đánh giá đã tiếp tục phát triển khá toàn diện, đời sống của người dân từng bước cải thiện, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kết hợp giữa nhà nước và nhân dân cùng làm, đã tập trung các nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, lưới điện, các công trình thuỷ lợi đầu mối, hệ thống kênh mương, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hoá xã, thôn, chợ khu vực...
Trồng ớt hàng hoá - một trong những mô hình giảm nghèo ở Lạng Sơn (Ảnh: KT)
Kinh tế nông thôn từng bước phát triển, đa dạng hoá ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp; cơ giới hoá, điện khí hoá được tăng cường ở các khâu làm đất, chế biến, vận chuyển, góp phần nâng cao năng suất lao động. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Toàn tỉnh đã tập trung, nỗ lực thực hiện toàn diện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được hưởng ứng tích cực, tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến rõ rệt về nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân, nhiều cơ sở đã có cách làm hay, người dân tự giác tham gia bằng những hành động thiết thực.
Đã thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên cùng một địa bàn các xã điểm của tỉnh, huyện. Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống dân cư nông thôn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân 1 xã đạt 7,4 tiêu chí, tăng 4,83 tiêu chí so với năm 2011.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tổ chức lồng ghép nguồn vốn của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, huy động của cộng đồng dân cư đã thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ các xã nghèo, hộ nghèo; kết quả giải quyết việc làm, giảm nghèo có chuyển biến tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 28,34% năm 2010 xuống còn 11,9% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 3,29%.
Trong 5 năm giải quyết việc làm cho trên 63 nghìn lao động, bình quân mỗi năm 12,6 nghìn người. Các hoạt động thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người có công, chăm sóc trẻ em được thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, Lạng Sơn gặp còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội do một tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc, xuất phát điểm nền kinh tế tỉnh thấp so với bình quân chung của cả nước, sản xuất hàng hoá chậm phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí còn hạn chế, không đồng đều giữa các khu vực, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Địa bàn rộng, địa hình chia cắt, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường…
Giai đoạn 2016 - 2020, Lạng Sơn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá - xã hội; đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Theo đó, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng, năng suất lao động; chú trọng tổ chức tốt xuất khẩu lao động.
Huy động, sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo, lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách khác để tạo điều kiện cải thiện mức sống của dân cư trong vùng nghèo, xã nghèo, phát triển sản xuất và chống tái nghèo tại vùng khó khăn; từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân ở các khu, cụm công nghiệp sẽ hình thành trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và các đối tượng chính sách. Đổi mới nhận thức, cách làm, huy động sức mạnh toàn xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục các tệ nạn xã hội./.
Nguyễn Long
Từ khóa:
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Cha mẹ mất sớm, anh trai tật nguyền giúp em gái đến trường
23-01-2025 07:32 54
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31