Xã hội
Lạng Sơn: Tích cực đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo
03:23 PM 28/09/2023
(LĐXH) – Các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sống ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, năm 2021, toàn tỉnh Lạng Sơn có 23.511 hộ nghèo, chiếm 12,2%, số hộ cận nghèo là 23.247 hộ, chiếm 12,06%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021 (từ 12,20% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ), đạt 109% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 95,23% trên tổng số hộ nghèo, tăng 0,24% so với năm 2021 (16.664 hộ/17.497 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 10,42% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số (16.664 hộ/159.826 hộ), giảm 3,15% so với năm 2021.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu: Năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên (các huyện nghèo giảm trên 5%/năm; Năm 2023 đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 2,5%/năm (các huyện nghèo giảm từ 4 - 4,5%/năm); Phấn đấu 01 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo.
Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân
Để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với thực hiện tốt cách chính sách sách giảm nghèo, các cấp, ngành của tỉnh cũng triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó có Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, với các hoạt động cụ thể như: Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp…
Bên cạnh đó, hỗ trợ người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự kiến khoảng 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công…
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói chung và thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.
Đối với tiểu dự án 1- Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Với nguồn vốn được giao năm 2022 các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với Chi cục Thống kê tổ chức khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm, tiến độ thực hiện đạt 80%; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, dự toán và triển khai thực hiện. Năm 2023, với nguồn vốn được giao đã triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, có 5/11 huyện mở được 32 lớp với trên 1.100 học viên; tổ chức tư vấn, tuyên truyền định hướng nghề và giới thiệu việc làm cho trên 4.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp. Xây dựng nguồn lao động có kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát 3.500 bộ tờ rơi về thông báo tuyển dụng các vị trí việc làm trong tỉnh và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, hoạt động sàn giao dịch việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động. Đến cuối tháng 8/2023, đã triển khai được 38,58% kế hoạch vốn 2022 - 2023.
Đối với tiểu dự án 2- Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký hợp đồng đặt hàng với công ty hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay công ty đã và đang triển khai đào tạo ngoại ngữ cho người lao động trên địa bàn 2 huyện nghèo với số lượng 120 lao động, trong đó 80% là nữ. Ngoài ra kinh phí được cấp còn để hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo công ty khác (dự ước khoảng 35 lao động). Dự kiến triển khai đạt 70,1% kế hoạch vốn, đến hết năm 2023 đạt 100% kế hoạch vốn.
Đối với tiểu dự án 3- Hỗ trợ việc làm bền vững. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch cho người nghèo
Những kết quả trong việc thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững đã góp phần vào kết quả công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm của tỉnh. Trong năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 14.100 lao động, đạt 100,7% kế hoạch, trong đó Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh cho vay 92.607 triệu đồng với 2.235 dự án; tổ chức dạy nghề cho 11.370 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,2% tăng 1,2% so với năm 2020.
Năm 2022, giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động trên địa bàn tỉnh, đạt 113,3% kế hoạch, trong đó: thông qua chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 7.000 lao động với 5.534 lao động được giải quyết việc làm bền vững, khoảng 1.500 lao động hỗ trợ thực hiện dự án vay vốn; trên 3.000 lao động được tạo việc làm mới từ chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch, phát triển doanh nghiệp của tỉnh trong đó có trên 500 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan); trên 7.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Tuyển sinh và đào tạo cho 19.436 người, trong đó: cao đẳng 352 người; trung cấp 2.334 người; sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 16.750 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, đạt 100% so với kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2023, uớc tuyển sinh và đào tạo được 3.848 học viên (1.125 học viên trình độ sơ cấp, 2.723 học viên đào tạo dưới 03 tháng), tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 60,39% đạt 19,4% so với kế hoạch./.
Minh Cảnh
Từ khóa: