Xã hội
Lào Cai: Giảm nghèo nhờ thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số
04:16 PM 16/05/2019
(LĐXH) Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo như cho vay vốn phát triển sản xuất; ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh; chính sách với người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc…Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể.
Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế, khuyến nông, khuyến công  và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo theo quy định.
Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình 135, Chương trình 30a; các chính sách theo Quyết định 134, Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn và vùng dân tộc thiểu số.
Điển hình như Si Ma Cai, ngoài các chương trình của tỉnh, của trung ương đã triển khai, từ năm 2016, huyện đã ban hành Quyết định 86 về thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Hằng năm, huyện dành 26 tỷ đồng để hỗ trợ 13 xã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Còn tại Sa Pa, từ năm 2016 đến nay, chính quyền các cấp đã huy động hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm); trồng các loại cây ôn đới (trồng hoa, cây dược liệu, vùng rau an toàn)…

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đến thăm, nắm bắt tình hình công tác dân tộc ở xã Tả Phời, TP. Lào Cai.

Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên đầu tư, hằng năm, tỉnh dành trên 70% nguồn ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, do đó cơ bản giải quyết nhu cầu về điện, đường, trường, trạm, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho đồng bào. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, diện mạo vùng nông thôn miền núi đã đổi thay căn bản. Đến nay, Lào Cai đã có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoạt động văn hóa được chú trọng, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. 100% xã đã phủ sóng phát thanh và phủ sóng truyền hình; 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước, bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công và dần trở thành những lễ hội đặc sắc mang giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào được bảo tồn, tôn tạo.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân được tăng cường và đạt nhiều kết quả; hệ thống y tế được củng cố và hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở, ngày càng đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Sự nghiệp giáo dục được chú trọng đầu tư, trên địa bàn có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 128 trường phổ thông dân tộc bán trú; hệ thống lớp mầm non, tiểu học có ở các thôn, bản, tạo điều kiện thu hút học sinh dân tộc thiểu số đi học, hạn chế tỷ lệ bỏ học và chống mù chữ.

Cán bộ thôn Thủy Điện (xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) hướng dẫn người dân cách trồng dứa.

Toàn tỉnh hiện có 148.207 học sinh dân tộc thiểu số, trong đó 68.067 học sinh nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí học tập, cấp sách giáo khoa, vở viết; duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Quan tâm đào tạo, sử dụng cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số, có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên dạy ở các xã đặc biệt khó khăn. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cũng được quan tâm, ưu tiên phân bổ đủ giáo viên cho các trường vùng cao, vùng sâu. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.859 cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số.
Các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô và dịch vụ phục vụ sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Các chương trình, chính sách được đầu tư là nguồn lực quan trọng giúp tỉnh Lào Cai hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng, thu hẹp khoảng cách phát triển trong các vùng; các dân tộc đoàn kết, gắn bó, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây cũng chính là môi trường tốt để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển năng động ở khu vực Tây Bắc.
Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả rất tốt, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống người dân. Riêng năm 2016, tỉnh đã bố trí hơn 600 tỷ đồng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, như cây, con giống, phân bón, hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất, thiết bị chế biến, bảo quản nông, lâm sản…
Nhờ triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất mà hàng năm, tỷ lệ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số có chuyển biến rõ nét, từ 3 đến 5%/năm (năm 2018, số hộ nghèo dân tộc thiểu số còn lại 25.413 hộ/98.043 hộ, chiếm 25,9% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Năm 2003, thu nhập đầu người bình quân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới đạt 3,9 triệu đồng, đến năm 2018 con số này là 35,4 triệu đồng/người.
Thảo Lan

 

Từ khóa: