"Có tiền cũng không dám ăn tiêu phung phí"
Từ đầu năm 2025, gia đình chị Yến (35 tuổi) - nhân viên văn phòng ở Tôn Đức Thắng đã "bật chế độ" tiết kiệm mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình bởi kinh tế khó khăn, vật giá leo thang.
Để tiết kiệm nhất có thể, gia đình chị Yến thực hiện "chiến dịch" ăn 3 bữa một ngày hoàn toàn ở nhà. Thay vì bỏ ra khoảng 100.000 đồng cho bữa sáng và bữa trưa ăn ngoài, Yến dậy sớm vào mỗi sáng để đi chợ mua thức ăn nấu cho cả ngày. Không chỉ tiết kiệm bằng cách ăn cơm nhà, chị cũng cân đối tiết kiệm tối đa, tính toán lượng thức ăn vừa đủ cho gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ.

Dù tiết kiệm nhưng vợ chồng chị Yến vẫn ưu tiên đủ nhóm dưỡng chất để các con có đủ dinh dưỡng phát triển tốt. Tuy nhiên, lượng đồ ăn chị mua không nhiều mà chỉ vừa đủ "ăn ngày nào hết ngày đó". Chia sẻ với PV, chị cho biết, sau khi tính toán kỹ lưỡng về chi phí sinh hoạt, chị chỉ dành 200.000/ngày để đi chợ mua đồ ăn cho 3 bữa.
"Nếu như trước đây, tôi thường ăn ngoài thoải mái với đồng nghiệp nhưng hiện tại, chi phí mọi thứ đắt đỏ trong khi lương thì không tăng, thậm chí còn giảm. Nghĩ tới các chi phí khác đầu tư cho con cái, tôi phải tính toán kỹ càng. Nhưng tôi thấy, ăn cơm nhà cũng có nhiều điểm lợi là vừa vệ sinh lại vừa rẻ", chị Yến chia sẻ.
Cũng giống gia đình chị Yến, Hải (30 tuổi) - nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy cũng thường xuyên mang cơm đi làm để tiết kiệm tiền. "Từ đầu năm nay, tôi hạn chế việc đi ăn ngoài nhiều lắm. Đôi khi đồng nghiệp rủ cũng không dám đi bởi lương thấp, công việc bấp bênh không ổn định", Hải bày tỏ.

Những bữa cơm trưa của Hải mang đi làm thường khá đạm bạc. Cô thường ăn cơm với muối vừng, trứng, rau, đậu. Hải tâm sự, cô không dám đi ăn ngoài cùng đồng nghiệp không phải vì không thể chi trả cho bữa ăn mà vì "có tiền cũng không dám tiêu pha thoải mái trong khi bản thân có nguy cơ đối mặt với làn sóng sa thải bất cứ lúc nào".
Để tiết kiệm chi phí cho bữa ăn nhiều hơn nữa, Hải thường nhờ họ hàng, bố mẹ ở quê mua đồ ăn gửi lên thành phố. "Đồ ở quê tôi rẻ hơn nhiều. Mỗi lần nhờ người nhà đi chợ giúp hết khoảng 1 triệu là cả nhà tôi có thể ăn cả tuần. Trứng ở quê cũng vừa sạch vừa đảm bảo mà giá cả cũng không đắt, tôi thường mua cả trăm quả để tủ lạnh ăn dần", Hải nói.
Lương 25 triệu nhưng chi không quá 30.000 đồng/bữa ăn

H.T.Hoa (35 tuổi) là một nhân viên ngân hàng có tiếng ở Hà Nội. Hoa hiện đang thuê phòng trọ ở chung với 2 người bạn của mình. Dù lương tháng 25 triệu đồng nhưng Hoa và các bạn luôn luôn ăn cơm nhà.
"Chúng tôi chọn ăn nhà cho sạch và tiết kiệm. Vì nhà có 3 người, chúng tôi tính toán chi đúng 100.000/bữa ăn tối. Phần thức ăn mua đã dôi ra một chút để hôm sau chúng tôi mang đi làm ăn cơm trưa. Ở cơ quan đều có lò vi sóng quay cơm lại nên tôi không ngại ăn cơm từ tối hôm trước", Hoa bày tỏ.
Đầu tháng 2, nhiều tiểu thương bán thịt lợn cho biết, giá thịt nhập ở lò mổ đã tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với trước Tết. Trong đó, thịt ba chỉ giá 140.000 đồng/kg, thịt mông 110.000 đồng/kg, sườn non 140.000 đồng/kg. Giá thịt heo tăng từng ngày cũng khiến nhiều người tiêu dùng phải chi tiêu tiết kiệm hơn. Trong khi giá trứng gà giảm mạnh chỉ từ 1.500 đồng/quả bán tràn lan trên các tuyến phố và chợ dân sinh ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hoa và những người bạn cùng ưu tiên ăn trứng nhiều hơn, giảm lượng thịt chỉ vừa đủ.
Tuy bỏ ra số tiền không nhiều cho một bữa ăn, Hoa cho biết, bữa cơm của các chị vẫn đủ các nhóm dưỡng chất nhưng về lượng sẽ ít đi để giảm thiểu chi phí.
"Thay vì mua 2 lạng thịt bò như trước thì giờ tôi chỉ mua nửa lạng hoặc 1 lạng thôi. Thịt lợn cũng vậy, tôi thường mua rất ít để xào thêm với rau. Nhà tôi ưu tiên trứng, đậu, cá. Những thức ăn này vừa rẻ hơn mà cũng nhiều dưỡng chất", Hoa chia sẻ.
Khi được hỏi liệu có đang quá tiết kiệm so với mức thu nhập, Hoa lo lắng cho biết: "Năm nay, tôi thấy nhiều người xung quanh mình bỗng dưng mất việc lắm nên cũng lo. Tôi còn nghe nói, nhân viên ngân hàng sắp tới cũng phải đối mặt với làn sóng sa thải. Nói thật giờ có tiền tôi cũng không dám tiêu nhiều mà phải tiết kiệm cao nhất có thể vào thời điểm này".
Cùng nỗi lo như Hoa, N (30 tuổi) cũng thắt chặt chi tiêu vì sợ mất việc bất thình lình. "Tôi biết có trường hợp cả hai vợ chồng một gia đình đều bỗng dưng mất việc trong năm nay. Tiền kiếm thì ngày càng khó mà vật giá thì leo thang. Nói thật, thời điểm này, tiết kiệm là việc nên làm. Tôi tin nhiều người trẻ cũng sẽ có suy nghĩ giống mình", N bày tỏ.
Băng Tâm
-
Mâm cơm của những người trẻ đang đối mặt 'làn sóng sa thải'
25-02-2025 16:54 46 -
Chàng trai bị liệt toàn thân lấy bằng thạc sĩ bằng... mắt
25-02-2025 16:54 32 -
Con trai đòi ăn pizza, bố mẹ giảm luôn 50kg làm hình mẫu
25-02-2025 08:46 03
-
Biến than phiền thành thói quen không độc hại
23-02-2025 07:53 23 -
Cách tạo ra một không gian mạng cởi mở, an toàn cho người trẻ
23-02-2025 07:48 25 -
Shipper viết sách tại trạm xe buýt, xuất bản ở 20 quốc gia
22-02-2025 11:12 49