Mặt nạ - Những ẩn ngữ không lời của văn hóa và thời gian
(LĐXH) - Mặt nạ từ lâu đã được coi là một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc, gắn liền với các nghi lễ tôn giáo, truyền thống dân gian, và nghệ thuật biểu diễn trên khắp thế giới. Mỗi chiếc mặt nạ không chỉ là một tác phẩm thủ công tinh xảo mà còn mang trong mình những giá trị lịch sử và tín ngưỡng sâu sắc.
Ông Trần Hữu Hoàng Thông, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bao bì nhựa, có niềm đam mê đặc biệt với việc sưu tầm mặt nạ. Với giọng Huế thân thiện, ông đã chia sẻ về hành trình khám phá và sưu tập mặt nạ từ nhiều quốc gia trên thế giới, coi đây là một cách độc đáo để kết nối và hiểu sâu hơn về các nền văn hóa khác nhau.
Cuộc hành trình bắt đầu
Cách đây chừng 25 năm, ông Thông sở hữu chiếc mặt nạ đầu tiên, những ẩn ngữ nằm bên trong nó gợi nên sự tò mò khiến ông phải đi tìm câu trả lời. Trên hành trình này ông đã phát hiện nhiều thứ huyền bí và từ đó thú đam mê sưu tầm mặt nạ không thể dừng lại.
Ông Hoàng Thông với những mặt nạ Châu Phi ở Musée du Quai Branly. Paris, Pháp (năm 2019). Ảnh HT
Tuy nhiên, dấu ấn quan trọng trong hành trình này là khi ông tìm thấy chiếc mặt nạ yêu thích nhất trong bộ sưu tập của mình, chiếc mặt nạ thần Khai Sơn trong một chuyến du lịch ở Sapa. “Chính chiếc mặt nạ này đã khiến tôi suy nghĩ nghiêm túc về niềm đam mê sưu tầm mặt nạ của mình.” ông Thông tâm sự. Từ đó, việc tìm hiểu ý nghĩa ẩn giấu và nguồn gốc của từng chiếc mặt nạ nhằm khám phá câu chuyện đằng sau chúng trở thành ưu tiên hàng đầu của ông.
Mặt nạ Khai Sơn một hóa thân của Bàn Cổ, vị thần sáng tạo ra thế giới có vai trò hàng đầu trong huyền thoại của Trung Quốc, Ảnh HT
Một cái nhìn thoáng qua về Mặt Nạ
Ông Thông phân chia bộ sưu tập của mình thành hai loại chính: mặt nạ biểu diễn và mặt nạ nghi lễ. Mặt nạ biểu diễn xuất hiện tại các sân khấu trên khắp thế giới, như trong các vở kịch truyền thống Ý, kinh kịch Trung Quốc, và kịch Noh của Nhật Bản... Trong khi đó, mặt nạ nghi lễ chứa đựng những câu chuyện về tín ngưỡng cổ xưa và sự biến đổi của tín ngưỡng nhằm thích nghi với sự thay đổi xã hội của các nền văn hóa trong bối cảnh hiện đại.
Ở châu Á, mặt nạ trong kinh kịch Trung Quốc hay kịch Noh Nhật Bản không chỉ thể hiện kỹ thuật diễn xuất mà còn truyền tải những câu chuyện huyền thoại và lịch sử. Ở châu Phi, mặt nạ được dùng trong các nghi lễ kết nối giữa con người và thế giới tâm linh, là phương tiện giao tiếp với các vị thần hoặc linh hồn. Ông cho rằng: “Mặt nạ không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là cầu nối giữa con người với những giá trị tinh thần sâu sắc”. Ông Thông luôn nhấn mạnh rằng: "Mỗi chiếc mặt nạ đều ẩn chứa một câu chuyện phức tạp và phong phú. Ví dụ, những chiếc mặt nạ trong các vở kịch truyền thống như Khol của Thái Lan, Lakhon Khol của Campuchia, Pra Lak- Pra Ram của Lào hay Robam của Việt Nam cho thấy những ảnh hưởng của sử thi Ramayana lên các nền văn hóa địa phương chịu ảnh hưởng Ấn Độ."
Một số chiếc mặt nạ của những nhân vật trong sử thi Ramayana đến từ các quốc gia Đông Nam Á, Ảnh: HT
Không chỉ vậy, mặt nạ còn xuất hiện trong các lễ hội trên khắp thế giới, từ lễ hội hóa trang Carnival ở Venice đến lễ hội Dia de los Muertos ở Mexico. Mỗi chiếc mặt nạ trong những sự kiện này đều phản ánh tinh thần của cộng đồng và mang theo những thông điệp về đời sống và niềm tin của con người.
Ông Thông và một phần bộ sưu tập mặt nạ của mình, Ảnh:HT
Ngoài ra, văn hóa đôi khi cũng tạo ra những rào cản trong việc thu thập mặt nạ. Ông Thông chia sẻ về “mặt nạ chết” – “Những chiếc mặt nạ ghi lại khoảnh khắc gần kề cái chết của con người, bị coi là không may mắn trong văn hóa Việt Nam, đã không cho phép ông có chúng trong bộ sưu tập của mình.”
Mặt nạ, sự thống nhất trong đa dạng.
Niềm đam mê của ông không chỉ dừng lại ở việc thu thập, mà còn là quá trình nghiên cứu chuyên sâu. “Tôi nhận ra rằng mỗi vùng đất đều có nét riêng trong các thiết kế mặt nạ, nhưng tất cả đều tồn tại trong một mạng lưới văn hóa chung, kết nối bởi tín ngưỡng, lịch sử và huyền thoại,” ông Thông cho biết thêm: "Tôi có thể nghe thấy tiếng nói chung giữa các nền văn hóa qua những chiếc mặt nạ của họ. Điều này thực sự thú vị, nó thúc đẩy tôi đam mê sưu tầm và nghiên cứu chúng”. Trong một bài phỏng vấn khác ông cho rằng: "Một chiếc mặt nạ có thể cho bạn biết về thế giới. Câu chuyện mà một chiếc mặt nạ có thể chứa đựng bên trong nó là không giới hạn và phức tạp."
Hình 6: Một phần bộ sưu tập mặt nạ giấy được dùng trong lễ Cấp Sắc. Một nghi lễ vòng đời rất quan trọng của người Dao. Nghi lễ này có nguồn gốc từ Na Giáo là các phương pháp thực hành thuật phù thủy nguyên thủy, đã bị ảnh hưởng bởi Đạo Giáo trong quá trình phát triển và vẫn còn phổ biến cho tới ngày nay, Ảnh:HT
Lưu giữ và chia sẻ
Ông Thông tâm sự: "Khi đam mê của bạn đủ lớn thì sẽ không có trở ngại nào”. Trong hành trình dài 25 năm sưu tầm, ông đã gặp nhiều thử thách khác nhau nhưng đều đã vượt qua. Hành trình tìm kiếm mặt nạ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn có đủ tình yêu thương, điều đó sẽ tạo nên "một sự kết nối gần như tâm linh dẫn bạn đến nơi bạn cần đến để có chiếc mặt nạ của mình."
Không chỉ gặp gỡ, kết bạn với những người cùng đam mê sưu tập mặt nạ mà ông còn chia sẻ những nghiên cứu và bộ sưu tập của mình với thế giới. Ông ấy đã có nhiều cuộc triển lãm, nhiều bài báo viết về ông ấy và một blog để chia sẻ thói quen sưu tầm của mình. Các sự kiện liên quan đến mặt nạ rất hiếm ở nước mình nhưng tôi cũng có một cuộc triển lãm mặt nạ Yao, dành cho các chuyên gia hàng đầu trên khắp thế giới, chuyên nghiên cứu về dân tộc này. Triển lãm đã nhận được nhiều lời khen ngợi và truyền cảm hứng cho một số nhà nghiên cứu dành sự quan tâm thực sự của họ cho "lĩnh vực mới" này. "Nếu có sự kiện nào liên quan đến mặt nạ, tôi sẵn sàng tham gia mà không cần bất kỳ yêu cầu nào." – ông Thông nói.
Poster giới thiệu cuộc triển lãm có tên là "Mặt Nạ Dao - Những Linh Hồn Phiêu Dạt" ở Bảo tàng Lào Cai vào năm 2019, Ảnh: HT
Những khuôn mặt của tương lai
Việc tìm được một chiếc mặt nạ đẹp đã trở nên khó khăn hơn ban đầu, điều mà ông Thông cho thấy thị hiếu thưởng ngoạn văn hóa đang phát triển. Người ta bắt đầu nhận ra rằng mặt nạ là di sản quý giá mà tổ tiên để lại cần phải giữ gìn. Một số nghệ nhân đang cố gắng đổi mới hình thức mặt nạ để công chúng dễ tiếp cận hơn.
Những chiếc mặt nạ không chỉ được sử dụng trong nghệ thuật biểu diễn mà còn trong các ngành công nghiệp giải trí như trò chơi điện tử, phim ảnh và du lịch. Sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa tín ngưỡng và sáng tạo nghệ thuật, đã mở ra một con đường mới cho những chiếc mặt nạ trong thế giới đương đại.
Sưu tầm mặt nạ là một hành trình nghiên cứu và khám phá đa chiều, không chỉ kết nối quá khứ và hiện tại mà còn liên kết các nền văn minh trên toàn cầu. Mỗi chiếc mặt nạ mang theo những thông điệp văn hóa và giá trị lịch sử, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, tiếp cận những hiểu biết sâu sắc hơn về sự đa dạng và phát triển của nhân loại.
Hoàng Bảo
Từ khóa:
-
Tuần sách kết nối – Ehon Week 2024: Thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản
12-10-2024 19:48 17
-
Các Nhà thiết kế Việt và khát vọng đưa áo dài trở thành biểu tượng văn hóa thế giới"
09-10-2024 23:33 09
-
Giải Bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2024: Hoạt động thể thao thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
07-10-2024 17:19 37
-
VTV công bố phát sóng nhiều bộ phim, chương trình trọng điểm nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
01-10-2024 14:35 48
-
Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam lần thứ 2 thu hút nhiều hồ sơ chất lượng
27-09-2024 22:16 58
-
Khởi động Cuộc thi Hoa hậu Đa văn hóa thế giới 2025
27-09-2024 16:05 40