Theo số liệu rà soát của các cấp Hội LHPN, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 12.000 trẻ em mồ côi, trong đó có 19 trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19, hơn 6.000 trẻ mồ côi sống trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của các em phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần, tâm lý, thể chất của trẻ và khiến con đường đi đến tương lai của các em càng trở nên gập ghềnh với nhiều thách thức, chông gai hơn bao giờ hết.
Trước tình hình đó, các cấp Hội phụ nữ, đặc biệt là cấp cơ sở luôn sâu sát, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của trẻ mồ côi trên địa bàn, cùng với các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động tiếp bước cho trẻ em đến trường, "triệu phần quà san sẻ yêu thương" để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung và trẻ em mồ côi nói riêng. Các cấp Hội cũng đã có nhiều hình thức huy động sáng tạo từ chính nguồn lực của tổ chức, cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua các phong trào "Thu gom phế liệu gây quỹ", "Rửa xe gây quỹ", "Bán hoa gây quỹ", "Hũ gạo tiết kiệm" "Nuôi lợn tiết kiệm", "Ống tiền tiết kiệm", xây dựng các mô hình "Mẹ đỡ đầu", mô hình "Đảm nhận con nuôi"... Bên cạnh đó, các cấp Hội kêu gọi, vận động sự vào cuộc của các ban ngành, cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tại địa phương và cả nước tham gia nhận đỡ đầu, quyên góp, hỗ trợ nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Nhờ sự chung lòng, chung sức, san sẻ yêu thương, qua hơn 6 tháng phát động đã có 960 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu với tổng số tiền hơn 4 tỷ 800 triệu đồng. Điển hình các đơn vị làm tốt như: Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu kết nối đỡ đầu 167 trẻ mồ côi, Hội LHPN thị xã Hoàng Mai kết nối đỡ đầu 104 trẻ mồ côi, Hội LHPN huyện Thanh Chương kết nối đỡ đầu 100 trẻ mồ côi…
Tại thành phố Huế, Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” được triển khai chưa lâu nhưng đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của cán bộ, hội viên phụ nữ và của các ngành, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là sự chung tay của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và cả sự đóng góp của các hội viên phụ nữ... Qua khảo sát, có 845 cháu mồ côi cha/mẹ, trong đó có 265 cháu thuộc diện hộ nghèo, 315 cháu thuộc hộ cận nghèo, có những cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ ở cùng ông bà già yếu, ốm đau bệnh tật; có những đứa trẻ không còn người thân phải nương nhờ hàng xóm… Trên cơ sở đó, Hội LHPN thành phố đã hướng dẫn và phân bổ chỉ tiêu cho các cơ sở Hội, phối hợp cùng Liên đoàn lao động thành phố tổ chức trong hệ thống Công đoàn, đồng thời vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân cùng đồng hành, nhận đỡ đầu, trước mắt tập trung vào các cháu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay đã đỡ đầu cho 106 trẻ (thành phố: 49, cơ sở: 57) với kinh phí trên 180 triệu đồng. Nhân dịp đầu năm học mới, Tết Trung thu các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã trao tặng hơn 200 suất quà gồm tiền mặt, gạo và một số đồ dùng học tập, quần áo với tổng giá trị 50 triệu đồng. Đây chính là những nguồn động lực to lớn tiếp lửa yêu thương, sưởi ấm tâm hồn và thắp lửa ước mơ cho các cháu để các niềm tin trong cuộc sống và vững tin để xây dựng một tương lai tốt đẹp.
Hội LHPN thành phố Huế đang tiếp tục rà soát trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2022- 2026, 100% trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp Hội trên địa bàn Thành phố kết nối với các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tiếp tục đồng hành hỗ trợ, nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng… ít nhất là 01 năm và cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Các hoạt động trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” chăm lo thiết thực về vật chất, tinh thần đã tạo điều kiện cho trẻ em mồ côi do COVID-19 được tiếp sức đến trường, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc, giúp các em phát triển toàn diện đến khi 18 tuổi. Thông qua Chương trình này, các cháu không chỉ có thêm những người mẹ mà còn có thêm nhiều những người ông, người bà, người cha, người anh, người chị và có thêm mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm chăm lo cho các con về vật chất, tinh thần. Trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tôn trọng quy định của pháp luật về quyền trẻ em, đồng thời việc hỗ trợ phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu của trẻ, tạo điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các “mẹ đỡ đầu” và chính quyền địa phương nơi các em đang sống.
Với ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc, chương trình được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cán bộ, hội viên phụ nữ, tiếp tục xây dựng, đóng góp, hình thành mạng lưới để quản lý chương trình, tăng cường kết nối, huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành, hỗ trợ, mang yêu thương đến với những em nhỏ mồ côi, em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm động lực vượt qua hoàn cảnh, vươn lên vì một tương lai tươi sáng hơn./.
Đăng Doanh
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55