Xã hội
Mèo Vạc: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
08:54 AM 22/10/2022
(LĐXH) – Những năm qua, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp để kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng đến với người dân trên địa bàn. Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách đã giúp hàng ngàn gia đình chính sách, hộ nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, tạo việc làm thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn tỉnh.
Từ 02 chương trình nhận bàn giao ban đầu (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm), đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án của địa phương do ngân sách tỉnh, huyện ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách người nghèo huyện Mèo Vạc đã có thêm nguồn vốn
để phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống
Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mèo Vạc đã thực hiện tốt mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra; xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Kết quả, đến nay toàn huyện có 225 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); 100% tổ được ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên; chất lượng hoạt động của tổ TK&VV ngày càng được nâng lên. Tổng nguồn vốn hoạt động tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc là 371.644 triệu đồng, tăng 19,66 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động, số tuyệt đối tăng 353.661 triệu đồng. Đã có trên 44.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 993.593 triệu đồng. Trong đó, đã cho vay được 27.802 lượt hộ nghèo, 1.588 lượt hộ cận nghèo, 1.974 lượt hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh; giúp cho 952 lao động có công ăn việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; 201 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 6.596 hộ trung bình, khá vay vốn để sản xuất kinh doanh; 1.904 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 346 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 2.888 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn...
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Mèo Vạc đạt trên 13,3%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,95 triệu đồng/người/năm (năm 2002) lên 28 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Mèo Vạc trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm, dịch vụ mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn.
 
Có thể nói, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã trở thành người bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong hành trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để tiếp tục phát huy vai trò tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác, chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác vốn vay, đảm bảo mục tiêu tăng cường dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội và các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội./.
Minh Cảnh
Từ khóa: