Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Người khuyết tật
(LĐXH) - Sáng 29/11/2018 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12) với chủ đề “Trao quyền cho người khuyết tật, tạo sự bình đẳng và hòa nhập”.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam; ông Chang – Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; ông Anar Imanov – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa A-déc-bai-gian tại Việt Nam; đại diện các Bộ, ngành; các tổ chức quốc tế, các tổ chức của và vì NKT cùng hơn 300 NKT.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Việt Nam hiện có gần 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó có 3,6 triệu NKT là nữ và 2,5 triệu là trẻ khuyết tật. Phần lớn NKT Việt Nam sống ở nông thôn, cuộc sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt là NKT do chất độc da cam/dioxin gây ra.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT như: Trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Việc thực hiện các quyền cơ bản của NKT đã có nhiều chuyển biến, chuyển từ trợ giúp nhân đạo sang trợ giúp phát triển. Nhiều NKT đã được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, y tế, giáo dục và hỗ trợ việc làm. Hằng năm, có hàng triệu NKT được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng được mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học; số NKT được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các tổ chức của NKT ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố, như: Hội Người mù, Hội người điếc, Hội bảo trợ NKT và trẻ mồ côi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật… Việt Nam cũng đã cam kết tham gia đầy đủ và tích cực các chương trình quốc tế và khu vực như Thập kỷ châu Á – Thái Bình Dương vì NKT. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của NKT từ năm 2014.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, do kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nên vẫn còn nhiều NKT sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Do vậy, ông Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: “Hôm nay chúng ta đồng hành cùng NKT, chung bước với NKT với tình cảm, trách nhiệm và sự chia sẻ và niềm tự hào về NKT để tiếp tục làm những điều tốt đẹp hơn nữa đối với NKT, đưa những quy định về quyền của NKT được thực hiện ngày càng tốt hơn trong cuộc sống. Chúng ta sẽ tiếp tục có thêm tiếng nói, có thêm những đóng góp, sáng kiến, những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy những hoạt động trợ giúp cho NKT ở Việt Nam theo định hướng của Công ước Liên hợp quốc về NKT”.
Ông Chang – Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội thì cho rằng, mặc dù Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc đáp ứng nhu cầu của NKT nhưng cũng còn có những hạn chế nhất định trong việc tham chiếu với các tiêu chuẩn quốc tế về khuyết tật, bao gồm cả khái niệm về NKT, dẫn tới những thiếu hụt về dữ liệu, phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả cũng như thiếu cá dịch vụ hòa nhập cho NKT, đặc biệt là trẻ em khuyết tật. Do vậy, ông vui mừng thông báo, trong tháng 12 tới, Tổng Cục thống kê dưới sự hỗ trợ của LHQ sẽ công bố kết quả khảo sát khuyết tật ở Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát có quy mô quốc gia lần đầu tiên được thực hiện để xác định tỷ lệ khuyết tật với việc sử dụng các công cụ đo lường khuyết tật theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ giúp Chính phủ có thể phát triển các chính sách có hiệu quả hơn cũng như xây dựng các chương trình quyền của NKT. LHQ sẽ tiếp tục vận động để đảm bảo pháp luật Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến NKT.
Tại lễ mít tinh, đại diện cho 300 NKT tại buổi lễ, bà Đỗ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội bày tỏ tin tưởng rằng, thúc đẩy hòa nhập và bình đẳng cho NKT cần được thực hiện không chỉ trong ngày quốc tế NKT mà cần thực hiện trong cả 365 ngày. Tất cả NKT khác nhau cần được quyền bình đẳng như mọi người trong mọi lĩnh vực của đời sống. Hội NKT Hà Nội đã góp phần thay đổi cách nghĩ và cách hỗ trợ người NKT từ góc nhìn từ thiện sang hỗ trợ dựa theo quyền của họ. NKT không còn bị coi là những đối tượng không may mắn cần sự trợ giúp mà quan trọng hơn họ có thể khẳng định mình, góp phần xây dựng xã hội, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác. Do vậy, cần có sự hợp tác để cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho sự hòa nhập và bình đẳng của NKT.
PV
Từ khóa:
-
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
20-01-2025 16:19 06
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
20-01-2025 16:19 00
-
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
20-01-2025 11:41 48
-
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
17-01-2025 15:30 19
-
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
17-01-2025 08:11 49
-
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
16-01-2025 15:55 09