Xã hội
Môi trường sống an toàn - cho trẻ em cơ hội phát triển an toàn
02:32 PM 13/07/2024
(LĐXH) - Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua việc triển khai đồng loạt nhiều chương trình, giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn thương tích đối với trẻ em, nhất là vấn đề đuối nước trẻ em, song số vụ và số trẻ em tử vong do đuối nước vẫn ở mức cao…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 164.268 trẻ em. Trong đó, có 943 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 0,57% tổng số trẻ em); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt 98%. Tổng số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 11.964 trẻ. Số liệu trên cho thấy, nhu cầu trợ giúp của trẻ em ở Phú Yên vẫn còn nhiều, một bộ phận dân cư ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, các em còn chịu nhiều thiệt thòi. Điều kiện về chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin cũng như nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ và kịp thời trong khi đó, môi trường xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tình trạng trẻ em bỏ học, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra.

Nghiêm trọng, trong những năm gần đây, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát cho gia đình và xã hội. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận có 09 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra nhiều vụ trẻ em tử vong do đuối nước, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương, ủy ban MTTQ và hội đoàn thể tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.

Tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh 

Theo đó, để kịp thời ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp nghỉ hè và mùa mưa bão sắp đến; UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; các chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030.

UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; nhân rộng mô hình Xây dựng cộng đồng an toàn - phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Chiến dịch tình nguyện "Hoa phượng đỏ" tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Trên thực tế, điều kiện nguồn ngân sách của Phú Yên hiện còn nhiều khó khăn nên kinh phí dành cho công tác phòng chống tai nạn thương tích hiện nay mà UBND tỉnh giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ dành cho công tác truyền thông; ngân sách phân bổ cho công tác dạy bơi, kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi, kỹ năng cứu đuối… được phân công hầu hết cho các ngành có trách nhiệm liên quan phối hợp cùng địa phương tổ chức thực hiện nhưng chưa cụ thể, hoặc lồng ghép từ những chương trình khác.

Tất cả các nguyên nhân, sự thiếu hụt chủ quan và khách quan trên đều dẫn đến nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em. Điều này thể hiện rõ đối với với phòng, chống đuối nước, không chỉ gia đình, không một ngành đơn lẻ nào có thể triển khai toàn bộ các hoạt động. Do đó, để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng.

Hoạt động dạy bơi vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm mục đích phòng, chống đuối nước trẻ em, song, đây chưa phải là giải pháp duy nhất mà cần có nhiều giải pháp can thiệp, trong đó đầu tiên là phải tuyên truyền về nhận thức của gia đình, của bản thân các em về các nguy cơ mất an toàn trong môi trường nước. Vì vậy, Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp cho người chăm sóc trẻ và trẻ em tại địa phương, cộng đồng về các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ. Các buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng được đánh giá là hoạt động cần thiết giúp các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, chăm sóc, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn, thương tích, tạo dựng môi trường sống an toàn, giúp trẻ em phát triển toàn diện./.

Nguyễn Đăng Doanh

 

Từ khóa: TNTT