Nam Định: Quan tâm giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật
(LĐXH) - Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định luôn chú trọng công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, giúp các em được đến trường học tập, được giáo dục kỹ năng sống từng bước xóa bỏ đi mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh Nam Định huy động được khoảng 1.300 trẻ khuyết tật thể vận động, trí tuệ, khiếm thính, thị lực hạn chế…; trong đó nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc hộ nghèo tới học tại các trường tiểu học. Để giúp trẻ khuyết tật hoàn cảnh gia đình khó khăn có thêm điều kiện cắp sách đến trường, cấp ủy, chính quyền các địa phương và ban giám hiệu các nhà trường, các tổ chức xã hội luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi như hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ ăn trưa… Vào dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6)… các em đều được tặng quà, động viên vượt qua mặc cảm để hòa nhập, vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Trẻ khuyết tật được quan tâm tạo điều kiện tới trường học hòa nhập
Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học đối với học sinh khuyết tật được Sở GD và ĐT quan tâm chỉ đạo. Các em được miễn giảm một số môn học hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học, hoạt động giáo dục do tình trạng khuyết tật gây nên; được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng, giúp các em tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cùng bạn học. Các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, hỗ trợ cha mẹ và học sinh khuyết tật các vấn đề liên quan trong hoạt động hàng ngày và quá trình học tập. Cùng với các hoạt động giáo dục trong chương trình chung, nhiều nhà trường còn tổ chức đa dạng các loại hình cho học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt tập thể giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng như: Đôi bạn học tập, cùng bạn đến trường, trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, biểu dương các cá nhân, tập thể có việc làm tốt giúp đỡ học sinh khuyết tật trong trường, lớp. Đối với bậc học mầm non, các nhà trường điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi trẻ, đánh giá kết quả tiếp thu của trẻ. Do chương trình giáo dục mầm non hiện nay chưa có chương trình riêng cho việc giáo dục trẻ khuyết tật nên phần lớn các nhà trường đã phân công việc tiếp nhận các trẻ này cho các giáo viên có kinh nghiệm, có kỹ năng tiếp cận và giáo dục, chăm sóc trẻ. Vì vậy đến nay những trẻ thuộc diện giáo dục hòa nhập đã được thực hiện tất cả các nội dung theo đúng chương trình giáo dục mầm non; các cơ sở giáo dục cũng có sự linh hoạt trong việc đánh giá kết quả giáo dục đối với trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều nhà trường, trẻ khuyết tật được sắp xếp học chung lớp với các học sinh phát triển bình thường. Do trẻ chậm phát triển về trí tuệ tiếp thu bài giảng, nhớ kiến thức đã học rất khó khăn nên giáo viên dạy các em đã quan tâm về biểu hiện về hành vi, về khả năng nhận thức của trẻ khuyết tật để có cách giáo dục và đánh giá kết quả học tập phù hợp. Với những trẻ khuyết tật về vận động, về thị lực, thính lực…, giáo viên luôn tận tâm, kiên trì, thái độ tình cảm thể hiện được sự yêu thương, gần gũi, đối xử công bằng để trẻ vừa tiếp nhận được kiến thức, vừa giúp các em tham gia các hoạt động của lớp, tự tin hòa nhập với các bạn trong lớp, trong trường. Việc động viên, khen ngợi khi các em đọc được bài, trả lời được câu hỏi cũng làm cho các em vui thích tham gia vào các hoạt động.
Bên cạnh tính nhân văn trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, ngành GD và ĐT cũng gặp không ít khó khăn khi đối tượng trẻ khuyết tật hiện nay đến trường không được phân loại, chọn lọc kỹ. Hệ thống tài liệu, sách giáo khoa, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật chưa được xây dựng, thẩm định và ban hành thống nhất gắn với thực tiễn người học. Việc xây dựng nội dung, chương trình giáo dục bảo đảm yêu cầu kiến thức, kỹ năng cơ bản cho từng cấp học, phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khuyết tật cũng chưa được quan tâm. Chế độ, chính sách cho học sinh khuyết tật và giáo viên dạy hoà nhập còn nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, giúp trẻ khuyết tật được học tập, hòa nhập cộng đồng rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành, các địa phương và toàn xã hội. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật. Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục học sinh khuyết tật, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng dạy hòa nhập ở từng dạng tật. Đầu tư trang thiết bị chuyên biệt hỗ trợ các em trong quá trình học tập, hòa nhập giúp giáo viên trực tiếp giảng dạy đỡ vất vả giúp các học sinh khuyết tật vươn lên, trở thành những công dân có ích cho xã hội./.
PV
Từ khóa:
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
07-01-2025 09:06 13
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46