Nâng cao khả năng cạnh tranh của phụ nữ ASEAN thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm
(LĐXH) - Đó là chủ đề của Cuộc họp Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ 4 do In-đô-nê-sia chủ trì được tổ chức ngày 15/10/2021 theo hình thức trực tuyến.
Cuộc họp lần này có sự tham dự của 10 Bộ trưởng/Trưởng đoàn của các nước ASEAN phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Cuộc họp cùng sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; và một số Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ LĐ-TB&XH.
AMMW là Cuộc họp được tổ chức 3 năm/lần để các Bộ trưởng phụ trách vấn đề phụ nữ của các nước thành viên ASEAN thảo luận và định hướng việc thúc đẩy hợp tác về đảm bảo bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong khu vực. Với chủ đề “Nền kinh tế kỹ thuật số và Bao trùm tài chính đề cải thiện khả năng cạnh tranh của phụ nữ ASEAN”, Cuộc AMMW lần thứ 4 nhằm trao đổi về các giải pháp cấp quốc gia và khu vực về nâng cao khả năng cạnh tranh của phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Tại Phiên khai mạc của Cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em In-đô-nê-sia và Tổng Thư ký ASEAN đã phát biểu khai mạc và chào mừng các Bộ trưởng/Trưởng đoàn và đoàn các nước thành viên ASEAN tham dự Cuộc hop. Với vai trò là Chủ tịch của AMMW giai đoạn 2018-2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có bài chia sẻ về những nỗ lực và thành tựu của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong nhiệm kỳ do Việt Nam làm Chủ tịch kề từ Cuộc họp lần thứ 3 năm 2018.
Trong 3 năm qua, hợp tác ASEAN về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã nâng lên một tầm cao mới với các chính sách về tăng cường khả năng phục hồi của phụ nữ trẻ, thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự tham gia chính trị của phụ nữ, hòa nhập kinh tế kỹ thuật số và tài chính cho phụ nữ trong ASEAN. Các nước thành viên ASEAN đã tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà các Nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN giao trong việc thúc đẩy lồng ghép giới trên ba Trụ cột của Cộng đồng ASEAN như đề cập trong Tuyên bố về việc thực hiện có đáp ứng giới Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đồng thời, lồng ghép các quan điểm về giới trong các chương trình nghị sự liên ngành và liên trụ cột của ASEAN. Bên cạnh đó, việc triển khai quan hệ đối tác hiệu quả nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong khu vực và ứng phó mạnh mẽ với những thách thức phát sinh từ bối cảnh xã hội đang thay đổi do đại dịch Covid-19 cũng là các điểm nhấn trong nhiệm kỳ Chủ tịch AMMW của Việt Nam.
Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn chúc mừng Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch của AMMW giai đoạn 2018-2021 với nhiều thử thách và biến động, đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) trong việc hoàn thành Kế hoạch Công tác của ACW giai đoạn 2016-2020, xây dựng Kế hoạch Công tác ACW giai đoạn 2021-2025 và thúc đẩy các hoạt động trong các lĩnh vực về tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ, thay đổi định kiền về giới, lồng ghép giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ và bảo vệ phụ nữ trong các tình huống dễ bị tổn thương. Tiếp sau đó, Việt Nam đã chuyển giao chức Chủ tịch AMMW giai đoạn 2021-2023 cho In-đô-nê-sia.
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã chia sẻ quan điểm về các giải pháp cấp quốc gia và khu vực về “Nâng cao khả năng cạnh tranh của phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm”. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao chủ đề do In-đô-nê-sia lựa chọn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến cho việc chuyển đổi số và tự động hóa diễn ra nhanh chóng, ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam có lực lượng lao động hơn 57 triệu người, trong đó phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động chiếm 71% so với 81% ở nam giới. Nhận thức được tầm quan trọng của lao động nữ đối với sự phát triển của đất nước, Việt Nam luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là quyền năng kinh tế. Điều này đã được thể hiện trong những tiến bộ về lồng ghép giới trong các luật pháp, chính sách, áp dụng các chương trình giáo dục đào tạo trực tuyến linh hoạt, đặc biệt là áp dụng các công nghệ dạy học tiên tiến, các chương trình học tập linh hoạt từ xa nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động nữ. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ sinh viên nữ tốt nghiệp đại học các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) ở Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 20% lên 37%. Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm triển khai các dự án về đào tạo, ứng dụng công nghệ số cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, đồng thời, cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính cho phụ nữ yếu thế nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và vị thế của người phụ nữ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ 3 gói hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam đưa ra để hỗ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, trong đó gói 26 nghìn tỷ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19; gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Các gói hỗ trợ lần này đã mở rộng thêm những đối tượng đặc thù như: lao động nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và các nhóm đối tượng mà trong đó phụ nữ chiếm đa số như lao động tự do, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật. Bên cạnh đó, các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại di động thông minh đã được sử dụng để người dân đăng ký nhận các gói hỗ trợ tại một số tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các quốc gia thành viên ASEAN cần có những biện pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng số cùa phụ nữ, đồng thời, chú trọng đến việc phổ cập công nghệ số và tích lũy các kỹ năng cần thiết cho trẻ em gái, góp phần đảm bảo sự thành công của thế hệ tiếp theo.
Kết thúc cuộc họp, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung của Cuộc họp AMMW 4 trong đó khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao khả năng hưởng lợi của phụ nữ và trẻ em gái từ các cơ hội do chuyển đối số mang lại.
Minh Anh
Từ khóa:
-
Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai
23-12-2024 22:42 50
-
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
23-12-2024 22:22 36
-
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
23-12-2024 22:20 15
-
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
20-12-2024 14:09 26
-
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
23-12-2024 14:08 07
-
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
07-12-2024 14:11 39
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00