Nâng cao kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em dân tộc thiểu số
(LĐXH)- Nhiều năm qua, công tác triển khai thực hiện các nội dung về quyền trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em dân tộc thiểu số…
Theo số liệu báo cáo của 33/52 Ban Dân tộc các tỉnh, tính từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2021, tổng số trẻ em bị xâm hại là 1.087 em. Số trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại theo thống kê của (9/52 tỉnh) là 188 em. Số trẻ em và độ tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại theo từng hình thức gồm: bạo lực 110 em, bóc lột 11 em, xâm hại tình dục 567 em, mua bán 3 em, bỏ rơi và bỏ mặc trẻ em 71 em, các hình thức gây tổn hại khác 47 em.
Có thể thấy, tình hình xâm hại trẻ em nói chung và trẻ em vùng dân tộc thiểu số nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây tuy có giảm, song số vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, xử lý vẫn tăng cao. Xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn diễn ra ngay tại gia đình.
Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi. Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường xảy ra như bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục… Các vụ việc xâm hại xảy ra tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, một số vụ việc người thân không dám tố cáo hành vi, vi phạm pháp luật. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em do chính người thân trong gia đình thực hiện, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương, vi phạm nghiêm trọng đạo đức lối sống và truyền thống văn hóa.
Trang bị kịp thời kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em dân tộc thiểu số (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em vùng dân tộc thiểu số nói riêng, các cấp, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng lồng ghép các chính sách, đề án có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm hướng tới các quyền lợi dành cho trẻ em về các lĩnh vực, như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ em; độ tuổi trẻ em được đến trường; mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non; tình hình biết đọc, biết viết của trẻ em là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ trẻ em gái, lấy trẻ em dân tộc thiểu số làm trung tâm… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tăng cường nhận thức về bình đẳng giới của trẻ em gái người dân tộc thiểu số.
Các cấp Bộ, ngành, trong đó hạt nhân là Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương triển khai lồng ghép có hiệu quả Đề án: “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”…
Đến nay, việc triển khai thực hiện lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác này. Đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Đặc biệt, vị thế của trẻ em gái dân tộc thiểu số được khẳng định và nâng cao trong gia đình, xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò trẻ em đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Mặc dù đạt được những kết quả ghi nhận, song qua thực tế triển khai công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em vùng dân tộc thiểu số còn nổi lên một số tồn tại hạn chế, đó là: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa bàn phức tạp, việc đi lại chưa thuận lợi nên việc đưa thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tố giác hành vi xâm hại trẻ em của tổ chức, cá nhân và việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời.
Công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về phòng, chống xâm hại trẻ em dân tộc thiểu số và tài liệu tuyên truyền theo chiều sâu còn hạn chế; việc bồi dưỡng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được thường xuyên. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống và kiến thức cơ bản để trẻ em dân tộc thiểu số biết tự bảo vệ, ứng phó với các tình huống thường gặp trong cuộc sống hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép vấn đề về quyền trẻ em vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên và đầy đủ từ Trung ương tới địa phương; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn còn hạn chế, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa được chặt chẽ kịp thời.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian tới, các cấp Bộ, ngành sẽ phối hợp cùng với các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em; trang bị kịp thời kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em dân tộc thiểu số. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan và đảm bảo nguồn lực phù hợp cho công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em dân tộc thiểu số…
Chí Tâm
Từ khóa:
-
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
21-11-2024 17:39 15
-
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
21-11-2024 15:47 57
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
23-09-2024 12:15 30
-
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
02-10-2024 12:06 10