Nâng cao năng lực tham gia vào nền kinh tế số của các nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam
(LĐXH)- Tiếp nối thành công của sáng kiến tại Malaysia và Indonesia, Dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi” tiếp tục mở rộng sang Việt Nam nhằm mục tiêu tiếp cận và hỗ trợ 25.000 nữ doanh nhân các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang tăng trưởng do phụ nữ làm chủ phát triển kinh doanh và tham gia tích cực vào nền kinh tế số.
Sáng 25/3/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) tổ chức sự kiện khởi động Dự án “Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi: Nâng cao năng lực và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang tăng trưởng do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” với sự tham dự của hơn 50 đại biểu từ một số Bộ, ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức tài trợ và các đơn vị đối tác.
Dự án được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 3507/QĐ-ĐCT ngày 22/02/2024 do Quỹ Châu Á tài trợ từ nguồn tài chính của Visa và thực hiện bởi Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, với sự tham gia của ba đối tác, gồm Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Tài chính vi mô Thanh Hóa và Quỹ hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế (VietED).
Sáng kiến “Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi” (AMB) được hình thành trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có hơn 40% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa trên khắp ASEAN cho biết tình hình kinh tế của họ đã trở nên xấu đi do tác động của đại dịch, trong đó các doanh nghiệp do nữ làm chủ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thành công của sáng kiến tại Malaysia và Indonesia đã giúp 6.500 chủ doanh nghiệp nữ được đào tạo, hướng dẫn kèm cặp về nâng cao kỹ năng kỹ thuật số, tiếp nối thành công đó, Dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi” tiếp tục mở rộng sang Việt Nam nhằm mục tiêu tiếp cận và hỗ trợ 25.000 nữ doanh nhân phát triển kinh doanh và tham gia tích cực vào nền kinh tế số.
Dự án hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức tài chính, kinh doanh và kỹ thuật số nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang phát triển của Việt Nam ở những vùng có hoàn cảnh khó khăn – các đối tượng thiều khả năng tiếp cận kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển và số hoá kinh doanh.
Theo ông Michael DiGregorio - Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tiếp tục đóng vai trò thiết yếu và góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và vấn đề giải quyết việc làm của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp MSME, đặc biệt các doanh nghiệp do nữ làm chủ, đang phải đối mặt với nhiều rào cản có thể kìm hãm sự phát triển và khả năng cạnh tranh của họ tại thị trường nội địa và toàn cầu, bao gồm tiếp cận hạn chế đối với kỹ năng, công nghệ, mạng lưới quan hệ, tính kết nối thị trường và nguồn tài chính. Với nguồn tài chính của Visa, chương trình này hướng đến việc giải quyết các thách thức và thúc đẩy tính bền vững và tăng trưởng của các doanh nghiệp MSME tại Việt Nam”.
Bà Dương Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đối với các doanh nghiệp nữ: “Dự án đã góp phần thực hiện khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 đề ra là “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, đồng thời giải quyết đúng nhu cầu đang rất thiết yếu của các nữ chủ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, hộ kinh doanh gia đình tại Việt Nam. Việc được trang bị những kiến thức kinh doanh một cách tổng quan, thực tế, linh hoạt về thời gian do được số hoá và hoàn toàn miễn phí sẽ giúp cho họ có nhiều cơ hội đề “Tăng trưởng doanh nghiệp”.
Trung tâm Phụ nữ và Phát triển mong muốn hiệu quả dự án không dừng lại ở con số 25.000 hội viên phụ nữ được tiếp cận kiến thức thông qua các bài giảng trực tuyến, mà lớn hơn là sự phát triển kinh tế cho phụ nữ và gia đình họ tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ Việt Nam”.
Bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam và Lào chia sẻ: “Chương trình “Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi” ở Việt Nam không chỉ góp phần vào cam kết của Visa trong việc cung cấp 500.000 cơ hội đào tạo kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong 10 năm, hướng đến phát triển các nền kinh tế trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF, Indo Pacific Economic Framework), mà còn có tiềm năng số hóa các mô hình cho vay tài chính vi mô ở các vùng nông thôn và những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Bà Dung khẳng định thông qua chương trình giáo dục, cố vấn và hỗ trợ tiếp cận nguồn lực cho các doanh nhân nữ Việt Nam, sáng kiến này hướng đến việc tạo đà tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới và xây dựng một xã hội toàn diện hơn cho tất cả mọi người, ở mọi nơi về dài hạn.
Ba đơn vị đối tác tham gia vào dự án đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp đào tạo kiến thức số và kinh doanh cho các khách hàng tài chính vi mô. Thông qua hợp tác với các tổ chức này để cung cấp giáo dục số và quản lý tài chính cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ và các đối tượng yếu thế, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận tài chính toàn diện, dự án “Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi” mong muốn sẽ góp phần thực hiện Chương trình khởi nghiệp, Chương trình chuyển đổi số cũng như Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia tại Việt Nam./.
Thảo Lan
-
Tăng cường quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật
04-12-2024 16:07 56
-
Cần sớm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cai nghiện ma túy
04-12-2024 14:08 27
-
Thị xã Ngã Năm: Triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo
03-12-2024 11:04 32
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn: Góp phần tích cực trong đảm bảo an sinh xã hội năm 2024
01-12-2024 21:42 25
-
Giải thưởng tài năng ngành tóc “L’Oreal – Sắc màu cuộc sống 2024” vinh danh những tấm gương vượt qua nghịch cảnh
01-12-2024 21:33 23
-
Lạng Sơn: Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng
01-12-2024 19:14 18
English Review
Minister Dao Ngoc Dung welcomed UNICEF Representative in Vietnam
English Review | 02-12-2024 08:51 01