Xã hội
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đánh giá kết quả cho vay ủy thác đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2023
08:31 PM 10/01/2024
(LĐXH)- Ngày 10/01/2024, tại Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban liên ngành giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội (TCCTXH) gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên CSHCM Thành phố để đánh giá công tác ủy thác cho vay năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Quyết - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội: Năm 2023, Chi nhánh NHCSXH và các Tổ chức Hội thành phố Hà Nội đã khắc phục khó khăn, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai có hiệu quả công tác ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Trong năm 2023, doanh số cho vay các chương trình ủy thác qua TCCTXH đạt 5.307 tỷ đồng với trên 107.000 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ đạt 3.871 tỷ đồng, chiếm 73% doanh số cho vay. Đến 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng của toàn Thành phố đạt 14.160 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các TCCTXH là 14.145 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ; dư nợ ủy thác tăng 1.436 tỷ đồng so với đầu năm, với 266.240 hộ, khách hàng còn dư nợ tại 7.069 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), dư nợ bình quân trên 53 triệu đồng/khách hàng.
Dư nợ ủy thác qua các TCCTXH đều tăng so với đầu năm. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý dư nợ 7.620 tỷ đồng với gần 143 nghìn khách hàng đang vay vốn thuộc 3.676 Tổ TK&VV; Hội Nông dân dư nợ 3.477 tỷ đồng với gần 70 nghìn người vay thuộc 1.853 Tổ TK&VV. Hội Cựu chiến binh dư nợ 2.353 tỷ đồng với trên 41 nghìn người vay thuộc 1.205 Tổ TK&VV. Đoàn Thanh niên dư nợ 694 tỷ đồng, với trên 12,2 nghìn người vay thuộc 335 Tổ TK&VV.
Ông Phạm Văn Quyết - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
 Thông qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân trong năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 81 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được vay vốn tại NHCSXH, trong đó tập trung chủ yếu tại một số chương trình tín dụng như: cho vay giải quyết việc làm 80.507 lượt khách hàng, góp phần thu hút 84.000 lao động; hỗ trợ kinh phí cho 26.064 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 52.091 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; cho  296 lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập, 20 khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất kinh doanh... Các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các TCCTXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn khôi phục phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh.
Tăng trưởng dư nợ nhưng chất lượng tín dụng ủy thác luôn được NHCSXH và các TCCTXH quan tâm, củng cố và nâng cao. Nợ quá hạn ủy thác qua TCCTXH đến 31/12/2023 là 1.439 triệu đồng, chiếm 0,01% tổng dư nợ ủy thác. Kết quả xếp loại Tổ TK&VV cuối năm 2023 đã được nâng cao hơn so với năm trước; trong tổng số 7.069 tổ, có 7.017 tổ xếp loại Tốt, 39 tổ xếp loại khá, chỉ còn 13 tổ xếp loại trung bình, không có tổ xếp loại yếu.  
Các TCCTXH cấp xã luôn chú trọng công tác giám sát tại Điểm giao dịch, thường xuyên đôn đốc các Tổ TK&VV đến thực hiện giao dịch; kiểm tra, hướng dẫn Tổ TK&VV và hộ vay hoàn thiện các chứng từ giao dịch; phối hợp đôn đốc xử lý các vấn đề phát sinh tại phiên giao dịch. Kết quả chấm điểm đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã đến 31/12/2023 có 30/30 đơn vị cấp huyện đạt loại Tốt, kết quả chung toàn Thành phố đạt loại Tốt.
Hội nghị giao ban liên ngành giữa Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội với các tổ chức chính trị xã hội.
Phương thức ủy thác cho vay đã huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, chuyển tải có hiệu quả vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố cho biết, trong năm 2023, Hội Hội Phụ nữ đã thường xuyên chỉ đạo các Hội Phụ nữ cấp huyện, cấp xã thực hiện đúng văn bản liên tịch, văn bản ủy thác đã ký kết với NHCSXH, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện công tác kiểm tra giám sát theo nội dung văn bản mới. Trong năm 2023, Hội Phụ nữ Thành phố đã kiểm tra được 30/30 đơn vị cấp huyện, 30 đơn vị cấp xã, 136 Tổ TK&VV và 150 khách hàng vay vốn. Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, phần lớn các Hội cấp huyện, cấp xã đã thực hiện tốt vai trò quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, hồ sơ liên quan đến công tác ủy thác được lưu giữ đầy đủ, theo dõi, cập nhật kịp thời, các hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích xin vay.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí với phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Chi nhánh NHCSXH và các TCCTXH tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; đồng thời tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra giám sát của TCCTXH các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước, tạo sức lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân từ đó phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của hội viên trong việc vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả và trả nợ đúng kỳ hạn.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia gửi tiết kiệm qua Tổ TK&VV, tạo ý thức tiết kiệm và nguồn tích lũy để trả nợ khi đến hạn; nâng cao chất lượng công tác bình xét cho vay và tăng cường sự tham gia kiểm tra giám sát của chính quyền tại cơ sở, của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, an toàn và sử dụng có hiệu quả./.
Thu Hiền