Xã hội
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh
05:00 PM 27/03/2023
(LĐXH)-Ngay từ đầu năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị đã cùng nhau đoàn kết, quyết tâm thực hiện mục tiêu chung là tập trung chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, linh hoạt, khoa học và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, quyết liệt trong hành động theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đây chính là mục tiêu chung mà Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị đặt ra trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị phấn đấu trong năm 2023 sẽ tạo việc làm mới 12.000 người, trong đó có 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 9.000 người, trong đó: Cao đẳng 200 người, trung cấp 800 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 8.000 người. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,66%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.  Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo bình quân của toàn tỉnh giảm từ 1,0-1,5%, tương ứng giảm 1.950-1.980 hộ nghèo. Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm xã hội/lực lượng lao động đạt 20,8%. Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp/lực lượng lao động đạt 13%. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng, 100% các đối tượng bảo trợ xã hội có đủ điều kiện được trợ cấp xã hội hàng tháng đầy đủ, kịp thời.

Quảng Trị đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp các doanh nghiệp đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023

Trong năm 2023, ngành cũng phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm giảm thiểu trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước, tảo hôn trẻ em; phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, lao động trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nâng cao vai trò của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, tảo hôn trẻ em; phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội, vận động và tổ chức tốt công tác cai nghiện đối tượng nghiện ma tuý; phòng chống tình trạng mua bán người.
Cùng với đó, ngành còn đặt ra mục tiêu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch nhằm góp phần cải 3 thiện chỉ số PCI của ngành và của tỉnh (đặc biệt chỉ số về đào tạo lao động) trong năm 2023. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Để đạt được những mục tiêu trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị đề ra những giải pháp thực hiện trong năm 2023 như sau:
Tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh, hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025”. Tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động. Triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi người có công theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm người có công được chăm sóc, ưu đãi toàn diện, gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra. Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể, các sở, ban ngành và các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, chính sách trợ giúp pháp lý.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, trước hết đối với các đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất việc thực hiện các quy định của Nhà nước tại các phòng của Sở và các đơn vị trực thuộc cũng như tại các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành lao động, người có công và xã hội, góp phần chấn chỉnh và 4 thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và gắn công tác cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng của các tập thể, cá nhân liên quan. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức tự ý quy định thêm thành phần hồ sơ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp./.
Mỹ Hạnh