Xã hội
Nghệ An hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu
03:45 PM 16/05/2023
(LĐXH)- UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 322/KH-UBND ngày 12/5 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch được ban hành nhằm quán triệt và chỉ đạo thực hiện các văn bản của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tới cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai kịp thời, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng củng cố hệ thống chính trị, ổn định trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, phát huy cao nội lực, phấn đấu của người nghèo, xã nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất tỷ lệ hộ tái nghèo.
Nhiều đối tượng được ưu tiên trong chương trình giảm nghèo ở Nghệ An
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 áp dụng cho các đối tượng sau: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinnh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Ngoài ra, Chương trình này áp dụng cho các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An bao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 bao gồm 07 dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 với mục tiêu chung là giảm nghèo, đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện tốt Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2023, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững. Xác định rõ giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về hỗ trợ giảm nghèo.
Cùng với đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; triển khai các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các địa bàn vùng nghèo, vùng khó khăn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.
UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn; Chỉ đạo hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các dự án.
Các Sở, ngành chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2023 xây dựng kế hoạch/ phương án tổ chức triển khai các hoạt động của dự án, tiểu dự án thành phần do Sở, ngành chủ trì năm 2023. Hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp với các chương trình, dự án, đề án khác.
Các sở, ban, ngành liên quan tham gia triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2023 trong phạm vi và nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do Sở, ban, ngành quản lý. Hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển của Sở, ban, ngành đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện ở cơ sở.
UBND các huyện, thành, thị xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn, chủ động huy động thêm các nguồn lực cho các Dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí./.
Tân Khang
Từ khóa: