Xã hội
Nghệ An xã hội hóa sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
12:25 PM 05/02/2025
(LĐXH)-Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Nghệ An đã được xã hội hóa sâu rộng, trở thành một nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa, được nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An, toàn tỉnh hơn 45 nghìn liệt sĩ; trên 56 nghìn thương, bệnh binh; hơn 20 nghìn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học; 2.825 mẹ Việt Nam anh hùng; 928 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày và hơn 500 nghìn gia đình, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến.
Giai đoạn 2021- 2024, Nghệ An đã giải quyết chế độ chính sách cho 37.892 đối tượng người có công và thân nhân người có công; đồng thời tập trung giải quyết hồ sơ thanh niên xung phong tồn đọng theo Quyết định 408/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tính đến hết năm 2024, Nghệ An đã và đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên đối với 64.880 người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền trên 153 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chế độ điều dưỡng cho 51.099 lượt người có công và thân nhân liệt sĩ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 6.080 lượt người; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo cho 3.280 người có công và con của người có công; mua BHYT cho trên 154 nghìn người có công và thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT…
Đặc biệt, với mục tiêu đảm bảo đời sống người có công bằng mức sống tối thiểu khu dân cư, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 32/2020/NQHĐND ngày 13/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hàng năm, Nghệ An trích kinh phí trên 10 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ các đối tượng chính sách người có công.
Trao tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho người có công huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An)
Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết: Song song với việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng quy định các chế độ chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã được xã hội hóa sâu rộng, trở thành một nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa, được nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đây là nhiệm vụ thường xuyên được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị và cộng đồng xã hội trong tỉnh quan tâm thực hiện nhằm tri ân các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Qua đó góp phần động viên họ vươn lên khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, tiếp tục có những đóng góp cho cộng đồng và xã hội, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
“Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực được giao, hàng năm, Sở đều chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tăng cường quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; đôn đốc việc thực hiện vận động xây dựng Quỹ, đảm bảo đúng mục đích, yêu câu và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào, Nghệ An luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp tích cực chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của từng ngành thành viên và các địa phương theo trách nhiệm đã được phân công” - Giám đốc Đoàn Hồng Vũ trao đổi.
Kết quả trong giai đoạn 2021 - 2024, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp của tỉnh đã vận động được trên 73 tỷ đồng (năm 2024, vận động đạt trên 17,8 tỷ đồng). Từ nguồn Quỹ hỗ trợ, Chương trình 1838 theo Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 818 gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở, tổng trị giá 34,15 tỷ đồng; trao tặng 756 sổ tiết kiệm cho người có công và thân nhân liệt sĩ, với kinh phí 1,643 tỷ đồng. Riêng trong năm 2024, đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 85 nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, trị giá gần 3,7 tỷ đồng; tặng 18 sổ tiết kiệm cho người có công với tổng số tiền 175 triệu đồng. Ngoài ra, nhân dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), Nghệ An còn có 1.164.878 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước, quà tặng từ ngân sách địa phương, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và quà xã hội hóa với tổng kinh phí thực hiện trên 460,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và huy động kinh phí xã hội hóa, các địa phương cơ sở đã trích kinh phí để tu bổ, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ tại địa phương. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2024, cùng với nguồn với kinh phí Trung ương hỗ trợ, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo tu sửa đối với 75 công trình ghi công liệt sĩ và xây vỏ mộ liệt sĩ gồm: đầu tư cải tạo, nâng cấp Khu mộ liệt sĩ Nghệ An tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị); xây dựng Đền thờ liệt sĩ tỉnh Nghệ An, mở rộng Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào…
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ khẳng định: Đến nay, phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng ở Nghệ An đã không ngừng được nâng cao, được xã hội hóa một cách rộng rãi và đạt kết quả khá tốt. Qua đó đã kịp thời động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách người có công và thân nhân của họ vươn lên, là tấm gương để con cháu học tập, noi theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn./.

Chí Tâm