Văn hóa - Thể thao
Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai – Người làm thay đổi diện mạo đền Rừng
06:31 PM 11/11/2024
(LĐXH)- Mới đây, đền Rừng (phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ nhập tự thủ nhang đồng đền cho nghệ nhân Hoàng Xuân Mai. Trong tương lai, với vị trí đắc địa vốn có, đền Rừng sẽ trở thành một quần thể tâm linh kết hợp với công viên sinh thái khu vực ngã ba sông Hồng và điểm du lịch đường thủy.
Sự kiện đền Rừng (phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) long trọng tổ chức lễ nhập tự thủ nhang đồng đền cho nghệ nhân Hoàng Xuân Mai là kết quả dựa trên sự suy tôn của người dân làng Gia Thượng do nhận thấy những đóng góp lớn lao của nghệ nhân Hoàng Xuân Mai với đền Rừng trong nhiều năm qua. 
Đền Rừng tổ chức lễ nhập tự thủ nhang đồng đền cho nghệ nhân Hoàng Xuân Mai
Từ năm 2020 do thủ nhang Đặng Thị Nhiễu tuổi cao sức yếu đã xin nghỉ, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai được BQL cụm di tích Gia Thượng mời ra đền hầu chứng vào các ngày lễ lớn trong năm. Từ đó đến nay, dù không phải là thủ nhang nhưng nghệ nhân Hoàng Xuân Mai đã đóng góp và kêu gọi các mạnh thường quân với số tiền nhiều tỷ đồng để tôn tạo, sửa chữa đền, mang đến cho đền Rừng mỗi ngày thêm khang trang, đẹp đẽ.
Ghi nhận sự phát tâm công đức của nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, ngày 1/10/2024, UBND phường Ngọc Thụy trao quyết định kiện toàn thủ nhang đồng đền cho đền Rừng, trong đó, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai chính thức được trao vai trò thủ nhang, cùng với Tiểu Ban quản lý Cụm di tích Gia Thượng tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng của di tích đền Rừng.
Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ – thủ nhang Phủ Tiên Hương, Nam Định chúc mừng
nghệ nhân Hoàng Xuân Mai
Chia sẻ tại buổi lễ nhập tự thủ nhang đồng đền cho nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, bà Trần Đức Thịnh, đại diện nhân dân Gia Thượng đã bày tỏ niềm vui đền Rừng đã chính thức thủ nhang mới. Bà đánh giá, điều này không chỉ thể hiện niềm mong mỏi của người dân, thanh đồng đạo quan mà còn bởi đền đã chọn được người vừa có tâm, vừa có tầm trong việc bảo vệ và phát huy tín ngưỡng ở đền Rừng. Với sự ủng hộ của chính quyền, nhân dân và quyết tâm của thủ nhang mới, bà tin tưởng ngôi đền sẽ ngày càng khang trang, thu hút nhiều hơn nữa du khách thập phương đến với đền Rừng.
Trong vai trò mới, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư đã tin tưởng, giao phó trọng trách thủ nhang đền Rừng. Ông nhấn mạnh, đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trọng trách để ông tiếp tục hoàn thiện mình cũng như nỗ lực cố gắng để làm nhiều ý nghĩa hơn nữa cho đền Rừng; bảo tồn và phát triển Đền Rừng không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là trung tâm văn hóa cộng đồng.
Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai chia sẻ mong muốn đưa đền Rừng trở thành
điểm đến tâm linh trong tương lai
Theo đó, từ khi nhận quyết định thủ nhang, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai đã cùng với người dân thực hiện kế hoạch mở rộng không gian đền thêm 1ha, đồng thời cải tạo cảnh quan xung quanh đền thêm khang trang, trồng thêm nhiều cây xanh, thêm một số hạng mục chức năng để người dân khi đến hành lễ được quy củ và thuận tiện hơn. Trong tương lai, với vị trí đắc địa vốn có, đền Rừng sẽ trở thành một quần thể tâm linh kết hợp với công viên sinh thái khu vực ngã ba sông Hồng và điểm du lịch đường thủy. Đây sẽ là nơi lưu giữ giá trị truyền thống, tạo cảm giác bình an cho khách hành hương, và là điểm dừng chân lý tưởng, gắn kết văn hoá tinh thần cho cộng đồng.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, Thủ nhang đền Nguyên Khiết Linh Từ chúc mừng nghệ nhân Hoàng Xuân Mai
Nói về sự thay đổi của đền Rừng thời gian gần đây, cụ Nguyễn Bằng, 85 tuổi thuộc tổ 17, Gia Thượng cho biết: “Tôi khá bất ngờ vì chỉ trong một thời gian ngắn mà đền Rừng đã có sự thay đổi hoành tráng như vậy. Trong sự hoành tráng đó tôi nhìn thấy sự hảo tâm của những người xây dựng, gìn giữ đền Rừng. Đây là một bằng chứng cho sự phát triển của Gia Thượng nói chung và của đền Rừng nói riêng. Chúng tôi mong sống khỏe để hàng năm được chứng kiến sự thay đổi của đền nhiều hơn nữa”.
Cùng với lễ nhập tự thủ nhang đồng đền cho nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, trước đó, ngày 9/10/2024, thủ nhang Hoàng Xuân Mai cùng Tiểu ban quản lý di tích Gia Thượng đã tổ chức Đại lễ cầu quốc thái dân an, bao gồm các nghi thức cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, cầu cuộc sống bình an, thịnh vượng cho người dân Gia Thượng và toàn dân tộc; nghi thức thả đèn hoa đăng tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với đất nước… Đại lễ không chỉ là dịp để gửi gắm tâm nguyện mà còn khẳng định ý nghĩa trường tồn của giá trị tâm linh trong đời sống tín ngưỡng của người Việt từ truyền thống đến hiện đại.
Đại lễ cầu Quốc thái dân an tại đền Rừng
Cũng nhân dịp này, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai đã phát tâm trao tặng hơn 200 xuất quà cho các cụ cao niên thuộc Gia Thượng, Long Biên, Hà Nội. Danh sách trao tặng quà gồm 218 cụ có tuổi thọ từ 80 trở lên. Mỗi xuất gồm quà tặng cùng số tiền 500.000 đồng (với các cụ 90 tuổi trở lên) và 200.000 đồng cho các cụ từ 80 – 90 tuổi.
Đây là hành động ý nghĩa, thiết thực của nghệ nhân Hoàng Xuân Mai nhằm tri ân người cao tuổi đã có nhiều công lao đóng góp sức người, sức của trong việc gìn giữ, xây dựng đền Rừng từ khi nơi đây còn là một ngôi đền nhỏ cho đến nay đã trở thành ngôi đền khang trang, rộng rãi. Đồng thời nghệ nhân Hoàng Xuân Mai cũng thể hiện mong muốn chúc phúc cho các cụ cao tuổi luôn sống vui sống khỏe bên con cháu, chỉ dạy lớp trẻ tiếp tục noi gương các cụ, tiếp nối truyền thống để làm việc có ích, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai đã phát tâm trao tặng hơn 200 xuất quà cho các cụ cao niên
Đền Rừng thuộc làng Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Đền còn được biết đến với tên gọi Gia Thượng Linh từ và Tứ vị phủ. Tên gọi Tứ vị phủ xuất phát từ việc phụng thờ các vị Thánh của đền. Đền phụng thờ chính là nhị vị Chúa bà và thờ Tam tứ phủ cùng Linh Lang Đại vương. Đền Rừng có quy mô 7 cung: nhà Tổ thờ thần linh, Cung Công Đồng, cung Tam Tòa Thánh Mẫu, Cung Chúa Bà, Cung Quan Tam, cung Sơn Trang, ngoài trời là Mẫu bán thiên và lầu Cô, lầu Cậu.
Theo các bút tích ghi lại, đền Rừng được xây dựng từ những năm giữa thế kỉ XIX. Ngôi đền được xây dựng trên chính quê hương của Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt, vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Với vị trí đắc địa, lại tọa lạc nơi có phong thủy hữu tình trên địa thế đẹp với mặt hướng ra sông Hồng đỏ nặng phù sa, thoáng đãng, bình lặng, không khí mát mẻ. Vì thế mà nơi đây quy tụ nhiều di tích như Đền Rừng, Đền Cửa Ông, Đền Mẫu Thoải, Đền Núi, tạo thành một quần thể tâm linh vô cùng nổi tiếng với du khách trong vùng và thập phương./.
Nguyên Lê