Người bác sĩ mang phép màu giúp cặp vợ chồng 7 năm “tìm con” có hạnh phúc viên mãn
Câu chuyện của BSCKI Phạm Văn Hưởng (Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) và gia đình chị Hữu Thị Ngân (1987), anh Phùng Xuân Quân (1982) đến từ Hoài Đức, Hà Nội chính là minh chứng cho hành trình yêu thương ấy - Một câu chuyện đẹp về niềm tin, hy vọng và tấm lòng y đức nhờ sự tâm huyết của vị bác sĩ luôn đặt trái tim mình vào từng bệnh nhân.
Hai lần thai ngoài tử cung, bốn lần chuyển phôi vẫn đi về tay trắng
Kết hôn từ năm 2010, khi ấy cả hai vợ chồng còn trẻ, chị Ngân vừa tốt nghiệp đại học, chưa vội nghĩ đến chuyện sinh con vì mọi dự định cho tương lai dường như mới chỉ bắt đầu.
Năm 2012, sau khoảng thời gian chờ đợi nhưng chưa có tin vui, anh chị quyết định thực hiện khám chuyên sâu để tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả chụp X-quang tử cung - vòi trứng khiến chị Ngân không khỏi bàng hoàng, bác sĩ kết luận cả hai vòi trứng của chị đều bị tắc. Nhận được tin này, chị rơi vào trạng thái hoang mang và lo lắng: “Khi ấy các kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản chưa quá tiên tiến, mình cũng chưa tìm hiểu về thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nên chỉ biết rằng bị như vậy thì đi chữa để thông tắc vòi trứng bằng thuốc nam, thuốc bắc thôi. Đọc trên mạng thấy nhiều người đi mổ thông xong lại bị tắc nên không biết là liệu kết quả có khả quan không”, chị Ngân chia sẻ.

BSCKI Phạm Văn Hưởng - Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện đồng hành cùng gia đình chị Ngân trong suốt hành trình tìm con
Sau những đắn đo suy nghĩ, chị Ngân quyết định tìm đến những thang thuốc nam để điều trị tắc vòi trứng. Đến giữa năm 2012, niềm vui bất ngờ đến khi chị nhận tin mình đã mang thai. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy chẳng kéo dài bao lâu. Khi bước sang tuần thai thứ 5, trong lần siêu âm kiểm tra, bác sĩ thông báo thai ngoài tử cung. Lần đó, để đảm bảo an toàn cho người mẹ, các bác sĩ chỉ định buộc phải cắt bỏ vòi trứng bên trái và cố gắng bảo tồn vòi trứng bên phải, giữ lại cơ hội để chị Ngân có thể mang thai tự nhiên trong tương lai nếu được điều trị thông vòi trứng.
Sau nỗi buồn mất đi đứa con đầu lòng, năm 2013, chị Ngân, anh Quân đã bắt đầu tìm hiểu và quyết định tìm đến phương pháp IVF. Chị Ngân cùng chồng thực hiện từng bước kích trứng, chọc trứng thuận lợi, nhưng đến khi tạo phôi thì số lượng phôi tạo được rất ít và chất lượng không được tốt, chính vì vậy dù chuyển hết số phôi có được anh chị vẫn “ra về tay trắng”.
Liên tiếp đối mặt với những thất bại, thế nhưng nghĩ về tương lai phía trước, hai vợ chồng lại tự động viên nhau cố gắng để tìm thêm “thầy hay”, thuốc tốt, hy vọng một ngày sẽ được đón con yêu. Cuối năm 2014, chị Ngân mang thai tự nhiên lần thứ hai, nhưng trớ trêu thay, điều không mong muốn của lần mang thai đầu tiên đã lặp lại, chị tiếp tục gặp phải tình trạng thai ngoài tử cung. Cú sốc này khiến chị Ngân suy sụp tinh thần và tưởng chừng như mất hết hi vọng về cuộc sống.

BSCKI Phạm Văn Hưởng chuyển phôi cho bệnh nhân
Sau Tết năm 2015, khi sức khỏe đã hồi phục, anh chị quyết định tìm đến một bệnh viện khác để tiếp tục hành trình IVF. Trong lần thực hiện này, chị Ngân vẫn đáp ứng thuốc rất tốt, nhưng giống như lần đầu, số lượng phôi tạo được vẫn ít và chất lượng chưa tốt. Sau một lần chuyển phôi không thành công, tất cả lại trở về con số không. Trước những khó khăn ấy, chị quyết định tạm nghỉ ngơi nửa năm để lấy lại tinh thần.
Đến nửa cuối năm 2015, anh chị bắt đầu lại từ đầu với hy vọng mới. Lần này, khi cầm kết quả xét nghiệm beta HCG trong tay, anh chị đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi biết mình đã thành công. Nhưng trớ trêu thay, đến tuần thứ 9 của thai kỳ, nỗi đau lại ập đến khi bác sĩ thông báo con đã mất tim thai. Không bỏ cuộc, anh chị quyết định chuyển nốt số phôi trữ còn lại tại bệnh viện, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.
6 năm miệt mài trên hành trình tìm con, từ thuốc bắc, thuốc nam cho đến IVF nhưng vẫn không thể có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ, anh Quân và chị Ngân đã trải qua vô vàn những khó khăn, thử thách. Kinh tế gia đình không dư dả, mọi khoản tiền kiếm được đều dồn cả vào việc thuốc thang, điều trị, khiến áp lực càng thêm chồng chất. Không ít lần tuyệt vọng, chị Ngân từng nghẹn ngào đề nghị ly hôn để chồng mình có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc khác. Nhưng cuối cùng, vượt qua bao trăn trở, hai vợ chồng đã chọn cách bình tâm lại và dành thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình phía trước.
Duyên lành với bác sĩ tâm huyết gieo mầm hạnh phúc cho các gia đình hiếm muộn
Dẫu trải qua nhiều lần thất bại, ngọn lửa khao khát được làm cha mẹ trong anh chị chưa bao giờ vụt tắt. Đầu năm 2017, qua sự giới thiệu từ bạn bè, anh chị quyết định sắp xếp công việc để đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nuôi hy vọng và tiếp tục hành trình tìm con.
Tại đây, BSCKI Phạm Văn Hưởng - Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện, đã tận tình tư vấn, lắng nghe anh chị chia sẻ về tiền sử sức khỏe và chặng đường đầy thử thách mà hai vợ chồng đã trải qua, chị nói: “Khi đấy mình cũng đã 30 tuổi rồi, chồng mình thì 35 tuổi, không còn trẻ nữa, mình đặt tâm thế bình tĩnh hơn trong lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm này. Gặp được bác sĩ Hưởng, bác sĩ đã động viên hai vợ chồng rất nhiều cũng như tư vấn phương án điều trị phù hợp với hai vợ chồng mình”. Đặt trọn niềm tin vào sự tận tâm của bác sĩ Hưởng và đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện, chị Ngân bước vào ngày chuyển phôi với tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái, khác hẳn với những áp lực và lo lắng của các lần chuyển phôi trước.

Bé Phùng Như Mộc Trà - Con gái đầu lòng của anh Quân và chị Ngân
Sau chuyển phôi lần đầu tại Bệnh viện, ngày đi xét nghiệm beta HCG cũng là ngày vợ chồng chị Ngân anh Quân vỡ òa hạnh phúc khi nghe tin đậu thai thành công. “Mầm sống bé nhỏ” kiên cường phát triển từng ngày trong cơ thể chị. Chính mối duyên với bác sĩ Hưởng và bệnh viện đã mang đến điều may mắn cho vợ chồng anh chị.
Bốn lần chuyển phôi không thành công, hai lần mang thai ngoài tử cung, khiến chị Ngân không giấu nổi sự lo âu trong những tuần đầu tiên của thai kỳ. Nhưng rồi phép màu đã đến, ở tuần thứ 5, bác sĩ thông báo rằng em bé đã an toàn và ổn định trong buồng tử cung.
Ba tháng đầu thai kỳ là một thử thách không nhỏ khi chị Ngân từng phải đối diện với những lần ra máu bất ngờ. Mỗi lần như vậy, những ký ức ám ảnh về các lần thai ngoài tử cung lại ùa về, khiến chị không khỏi hoang mang. Nhưng tình yêu và niềm tin đã giúp cả gia đình vượt qua mọi khó khăn, từng ngày trôi qua, hai mẹ con dần ổn định, khỏe mạnh.
Hơn 39 tuần mang thai là hành trình đầy nghị lực và mong mỏi của cả hai vợ chồng chị. Cuối cùng, giây phút hạnh phúc cũng đến, bé gái Phùng Như Mộc Trà chào đời khỏe mạnh. Tiếng khóc đầu tiên của con như đánh dấu một chương mới rực rỡ trong cuộc sống của bố mẹ, những giấc mơ đã thành hiện thực và hành trình của yêu thương sẽ được viết tiếp.
Vào năm 2020, có sự ủng hộ của gia đình nội ngoại hai bên, anh chị đã quyết tâm thực hiện hành trình IVF thêm một lần nữa với mong muốn chào đón thêm một thiên thần nhỏ. Đặc biệt, hành trình này tiếp tục có sự đồng hành của BSCKI Phạm Văn Hưởng - người đã tư vấn tận tâm và trực tiếp thực hiện quy trình chọc trứng, chuyển phôi cho chị Ngân.
Niềm hạnh phúc như được nhân đôi khi tin vui đến, một em bé nữa đã thực sự về với gia đình và thai nhi đang phát triển khỏe mạnh, mang theo bao hy vọng, tình yêu thương của đại gia đình và các y bác sĩ bệnh viện. Một chút khó khăn lại đến với chị Ngân khi ở tuần thai thứ 7 chị bị ra máu, khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị tụ dịch màng nuôi. Ngay thời điểm ấy, bác sĩ Hưởng khuyên chị Ngân cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động để thai ổn định. Khi đó anh Quân phải đi làm xa, con đầu còn nhỏ và trách nhiệm gia đình không cho phép chị nghỉ ngơi hoàn toàn. Chị tạm gác lại công việc tại cơ quan để ở nhà vừa chăm sóc con và nghỉ dưỡng thai. Dù mệt mỏi, nhưng chị luôn giữ vững niềm tin, quyết tâm bảo vệ sinh linh bé nhỏ đang lớn lên từng ngày .
Tuần thai thứ 9, đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám, bác sĩ Hưởng động viên chị yên tâm vì mọi thứ đã dần ổn định, sức khỏe của mẹ và bé tiến triển tốt, các mốc khám tiếp theo hai mẹ con đều khỏe mạnh. Và rồi, ở tuần thứ 38, bé trai Phùng Xuân Gia Huy chào đời khiến ngôi nhà nhỏ thêm rộn rã tiếng cười.

Bé Phùng Như Mộc Trà (8 tuổi) và bé Phùng Xuân Gia Huy (4 tuổi)
Bằng sự tận tâm, tài năng và trái tim ngập tràn tình yêu thương, bác sĩ Phạm Văn Hưởng đã mang đến phép màu cho hành trình tìm con của chị Ngân, anh Quân. Sau 7 năm đằng đẵng mong chờ, hy vọng của anh chị cuối cùng đã đơm hoa kết trái khi hai con cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh. “Mình từng nghĩ giấc mơ làm cha mẹ sẽ mãi chỉ là mơ. Nhưng bác sĩ Hưởng đã trao hy vọng và mang những món quà vô giá nhất cuộc đời đến với hai vợ chồng mình”, chị Ngân xúc động chia sẻ.
Suốt 7 năm dài, anh Quân và chị Ngân đã trải qua biết bao khó khăn và thử thách trên hành trình tìm kiếm điều kỳ diệu mang tên “con yêu”. Từ những lần thất vọng khi cầm kết quả không như mong đợi, đến những ngày dài chờ đợi mỏi mòn, anh chị vẫn luôn sát cánh bên nhau, nắm chặt tay cùng bước qua mọi giông bão. Sự đồng lòng, kiên trì và khát khao mãnh liệt đã trở thành ánh sáng dẫn lối để gia đình nhỏ chạm đến hạnh phúc trọn vẹn. Câu chuyện của anh chị không chỉ là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu và niềm tin, mà còn truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực cho những cặp đôi đang trên chặng đường tìm kiếm con yêu. Bởi chỉ cần giữ vững niềm tin và không từ bỏ, phép màu nhất định sẽ đợi chúng ta ở cuối con đường.
Sau nhiều năm, giờ đây tổ ấm của gia đình ngày càng trọn vẹn khi hai thiên thần nhỏ đã khôn lớn. Bé Mộc Trà, nay đã 8 tuổi, luôn thể hiện sự chững chạc và tình yêu thương đặc biệt dành cho em. Còn cậu em Gia Huy, ở tuổi lên 4, không chỉ đáng yêu mà còn rất ngoan ngoãn, khiến bố mẹ tự hào. Hai chị em là niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình.
Hai vợ chồng chị Ngân luôn thầm cảm ơn bác sĩ Hưởng - người đã mang đến mùa xuân hạnh phúc, người đã gieo mầm những điều tốt đẹp, để giờ đây gia đình anh chị được đủ đầy và viên mãn. Trên hành trình hai con yêu lớn lên từng ngày, chị Ngân anh Quân luôn kể cho con nghe về mái nhà Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nơi có những “thiên thần áo trắng” ngày đêm miệt mài “ươm lên những mầm sống mới”, mang tới niềm hạnh phúc ngọt ngào cho biết bao gia đình hiếm muộn mong con./.
Hải Uyên