Người dân Quảng Ngãi thoát nghèo, làm giàu nhờ vốn tín dụng chính sách
(LĐXH)-Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã giúp đẩy lùi tín dụng đen, người nghèo có cơ hội để phát triển kinh tế, tự tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua, để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện tập trung nhân lực, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn và các bên liên quan giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tham mưu kịp thời cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các huyện, thành phố...
Đặc biệt, việc hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, bản, vùng sâu vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh với 2.695 Tổ TK&VV đã giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời; Trực tiếp thực hiện một số công việc được NHCSXH ủy nhiệm như họp bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, tuyên truyền vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, theo dõi đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn, phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ rủi ro.
Tại huyện Trà Bồng, thời gian vừa qua, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, kịp thời tham mưu cho Ban đại diện và UBND huyện chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các mặt hoạt động nghiệp vụ đảm bảo quy định, đúng định hướng. Đến nay, tổng dư nợ toàn huyện đạt trên 233 tỷ đồng với hơn 5.380 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng ngày một nâng cao; việc bình xét, lập hồ sơ cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, người vay được nhận tiền vay trực tiếp từ NHCSXH huyện. Hoạt động giao địch tại UBND xã được NHCSXH huyện thực hiện đảm bảo quy định, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, mặt trận các hội đoàn thể và nhân dân, tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tiết giảm chi phí giao dịch cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các chính sách, thông tin về dư nợ, tiền gửi tiết kiệm của tổ viên, nội quy giao dịch, hòm thư góp ý, đường dây nóng… được công khai tại điểm giao dịch xã để nhân dân, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể theo dõi, giám sát, nắm bắt và phối hợp triển khai thực hiện theo quy định.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chuyển nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH tăng hơn 1,3 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm qua huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cấp hội đoàn thể phối hợp cùng NHCSXH huyện triển khai đảm bảo nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH huyện triển khai thực hiện tiếp tục phát triển bền vững, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo lãnh đạo NHCSXH huyện Trà Bồng, ở địa bàn có hơn 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người Cor còn nghèo khó. Sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền địa phương cùng triển khai tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của người dân nơi này.
Bên cạnh các chính sách như Chương trình 135, các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102 thì các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất theo chính sách tín dụng ưu đãi mà NHCSXH đang thực hiện đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo của Trà Bồng. Với nhiều người dân, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã tạo động lực để vươn lên trong lao động sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ước đến năm 2019 giảm còn 27,22%.
Hộ ông Hồ Văn Sang, bà Hồ Thị Nga, dân tộc Cor, ở tổ 3, thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng cho biết, gia đình ông biết đến NHCSXH từ năm 2011 khi được vay 5 triệu đồng dành cho hộ nghèo huyện 30a. Một năm sau gia đình lại vay 15 triệu đồng theo chương trình này.
Từ đồng vốn đó, ông đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng cây keo. Nhờ công chăm sóc tốt nên bò mẹ đã sinh sản thành đàn bò 4 con bê, bán 1 lứa keo được 20 triệu đồng và tiếp tục đầu tư trồng keo.
Sau khi thoát nghèo, năm 2015 gia đình ông Sang được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để mở rộng diện tích trồng keo. Ngoài thời gian chăm sóc vườn keo của nhà, vợ chồng ông Sang còn đi làm keo thuê cho thu nhập 150-200 nghìn đồng mỗi ngày.
Hay cả hành trình trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi của ông Huỳnh Văn Trung, thôn An Thành 2, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn luôn gắn với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Chỉ tay về phía đàn vịt, ông Trung chia sẻ, nhiều lúc đã có phương án sản xuất, kinh doanh nhưng chỉ nhờ nguồn vốn NHCSXH cho vay ủy thác qua Hội Nông dân, ông mới mạnh dạn tiến hành sản xuất, chăn nuôi. Ông Trung kể, hồi năm 2009, thông qua hội đoàn thể, ông biết đến NHCSXH và làm đơn vay 30 triệu đồng chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để chăn nuôi lợn thịt. Làm ăn có hiệu quả, năm 2014 ông trả hết nợ cũ và tiếp tục xin vay tiếp để phát triển chuồng trại mở rộng chăn nuôi.
Hiện nay, gia đình ông Trung vẫn đang vay vốn NHCSXH để nuôi lợn, hơn 2.000 con vịt đẻ và trồng rừng. Nhờ cần cù, chịu khó và từ sự hỗ trợ của đồng vốn ưu đãi NHCSXH Quảng Ngãi mà gia đình ông Trung xây được nhà hai tầng, còn bản thân ông là điển hình nông dân sản xuất giỏi của xã Bình Phú.
“Từ hai bàn tay trắng, nhà ở lụp xụp, có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH”, ông Trung tâm sự.
Theo số liệu báo cáo tổng kết giai đoạn 2015 - 2019 tại tỉnh Quảng Ngãi, dư nợ ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đến hết năm 2019 đạt trên 3.389 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,7%/tổng dư nợ, tăng hơn 1.090 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại Quảng Ngãi đã góp phần đáng kể vào chương trình mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh, đến cuối năm 2019 đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,69%, giảm 11.589 hộ (giảm 4,04%) và hộ cận nghèo 7,21%, giảm 6.653 hộ (giảm 2,55%) so với cuối năm 2014. Ứớc thực hiện đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 6,07%. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, người dân có thêm niềm tin và động lực tự thân vươn lên thoát nghèo./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
-
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
09-01-2025 08:39 32
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46