Văn hóa - Thể thao
Người học trò suốt đời của cụ lang Thiên Tích
06:46 PM 28/10/2022
(LĐXH)-Nhiều thế hệ người Hà Nội biết đến cụ Thiên Tích ở Lĩnh Nam. Sinh thời, cụ là một lương y nổi tiếng về tài năng, đức độ. Lương y Thiên Tích là người có công dịch ra tiếng Việt tác phẩm “Kim quỹ yếu lược” và “Thương hàn luận” - bộ sách về bệnh học và lý luận rất quan trọng về Đông y.
Cụ Thiên Tích nguyên là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2001, sau đó là được suy tôn là Chủ tịch danh dự. Là một thầy lang theo lối xưa nên cụ thông thạo cả bốn môn Nho, Y, Lý, Số, vừa giỏi y lý vừa uyên bác về đông y. Cụ tâm niệm, “làm nghề thuốc phải có cái tâm trong sáng, không vụ lợi và hết lòng với người bệnh, việc chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân là trách nhiệm của người thầy thuốc”.
Sau khi nghỉ hưu năm 1991, cụ được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam hai khóa. Đến năm 2001, cụ về nghỉ ngơi và tập trung vào việc chữa bệnh cho người dân ngay tại nhà.
Cách đây vài năm, cụ Thiên Tích đã về cõi vân du, để lại bao tiếc thương và cả lòng biết ơn của các thế hệ học trò và cả những bệnh nhân được Cụ chữa trị trong thời gian ở nhân gian. Cụ ra đi nhưng di sản của cụ vẫn được học trò tiếp tục gìn giữ và phát huy. Một trong những người học trò theo cụ lâu nhất và đến nay vẫn tiếp tục làm cái nghề “lấy đức làm lãi” là Việt y Chu Xuân Trường.
Kỳ duyên gặp thầy
Một ngày cuối thu, tôi đến Phòng khám đông y Bảo Quang Đường của Việt y Chu Xuân Trường. Mặc dù khá gần đường Trần Thái Tông, con đường sầm uất nhất nhì quận Cầu Giấy nhưng bước qua cánh cửa vào phòng khám là một sự tĩnh lặng và trang nghiêm. Trên tủ là bức tượng Hải Thượng Lãn Ông - ông tổ nghề y học cổ truyền Việt Nam. Việt y Chu Xuân Trường cho biết, bức tượng này vốn nằm ở phòng khám thầy Thiên Tích. Từ hồi thấy mất, anh thỉnh bức tượng này để tiếp tục chiêm bái, soi chiếu vào đó để sửa mình hàng ngày, tích thêm Tinh - Khí - Thần bởi con đường y đạo còn rất dài phía trước.
Việt y Chu Xuân Trường khám bệnh cho bệnh nhân
Vừa pha trà, anh Trường vừa kể chuyện. Gốc gác mãi tận Bắc Giang nhưng anh sinh ra, lớn lên ở làng Vòng, ngôi làng lâu đời với nghề làm cốm ở ngoại thành Hà Nội. Học tới hết phổ thông ở Cầu Giấy, lại không đủ điều kiện đi bộ đội vì mắt cận, sau lần thi trượt Đại học y Hà Nội, một người chú đã dắt anh tới nhà cụ Thiên Tích học nghề làm thuốc. Nói “nghề làm thuốc” là nói nghĩa đen, bởi những ngày tháng ấy, bên trong trí óc của anh thanh niên 18 tuổi thì khái niệm đi học làm thầy thuốc chưa thực sự rõ ràng. Nhưng cũng từ đây, cuộc đời anh có bước ngoặt quan trọng, khiến cho anh gắn bó với nghề làm thuốc, làm thầy cả đời.
Con đường y đạo
Nhớ lại những ngày ấy, ngày đầu tiên khi anh Trường xuống nhà cụ Thiên Tích, mấy tiếng đồng hồ, cụ cứ để anh ngồi không, cũng không nói năng gì. “Cụ cứ mặc kệ. Mình thì trẻ, cứ nhấp nhổm suốt”, anh cười. Lát sau, trò chuyện một hồi thì cụ Thiên Tích nhận ra trong gia đình anh có một người ông trong họ đã cùng Cụ vào Viện Đông y một đợt. Người ông trong họ ấy đã như một bảo chứng tin cậy khi cụ Thiên Tích dặn: “Con cháu nhà ấy thì được rồi”.
Hôm sau tới, việc đầu tiên là cụ Thiên Tích mở giấy bút, ngồi hỏi tuổi tác, lập cho anh Trường lá số tử vi. Đọc xong lá số, cụ bảo “theo nghề được”. Xong xuôi đâu đấy cụ mới quyết định thu nhận anh làm học trò.
Học nghề làm thuốc nhưng không phải cứ đến nhà thầy là được sờ tay vào dao cầu, thuyền tán ngay. Đầu tiên, thầy đưa anh lên phố Lãn Ông mua giấy bản, mực tàu, bút lông để về học viết chữ. Đó cũng là những ngày tháng đầu tiên anh biết thế nào là chữ Hán.
Giấy bản mang về, kê lên một bảng chữ và bắt đầu học… tô chữ. Suốt ba năm đầu tiên chỉ ngồi tập tô, học thuộc lòng mặt chữ tên các vị thuốc, làm sao cho nhuần nhuyễn. Những ngày tháng ấy, rèn chữ, cũng là rèn cái nết cẩn thận, chỉn chu - điều rất quan trọng với một người hành y đạo.
Buổi sáng đến nhà thầy học viết, buổi trưa đi chợ nấu cơm, buổi chiều ngồi đọc thuộc lòng mặt chữ, âm tiếng Việt, ý nghĩa của tên thuốc, công dụng của từng vị. Ròng rã như vậy một năm đi lại từ nhà ở làng Vòng tới Lĩnh Nam thì thầy bảo anh: “Thôi, dọn đến đây”. Thế là hành trình một đời theo thầy của anh bắt đầu như vậy.
Mọi ăn uống, sinh hoạt, anh cứ nhìn thầy mà làm. Sáng sáng, 5 giờ, thầy dậy sớm tụng kinh, anh cũng lục tục dọn chăn màn để ngồi sau thầy lắng nghe, cùng tụng niệm. Sau ba năm học chữ, thầy Thiên Tích cho anh tiền để theo học trường đông y Tuệ Tĩnh (Thanh Xuân, Hà Nội).
Thầy dặn, nghề thầy thuốc đến đời anh đã khác trước. Xã hội thay đổi, không có bằng cấp thì không được làm. Thế nên, hàng ngày, một buổi anh đến lớp, một buổi vẫn quay về nhà thầy để theo thầy học hành.
Ngày tháng trường quy cứ thế đi qua, anh thanh niên làng Vòng cũng đến tuổi lấy vợ, sinh con. Rồi như con cái trong nhà, anh đưa cả vợ con về ăn ở, sinh hoạt để tiện việc học hành và chăm sóc thầy từng bữa ăn, giấc ngủ. Thầy Thiên Tích cũng lấy điều đó làm hài lòng.
Việt y Chu Xuân Trường tiếp nối nghề của thầy Thiên Tích
Đến giờ, điều làm anh thấy sung sướng nhất không chỉ là một đời cắp tráp theo thầy học nghề, đi qua hàng vạn con đường, mang niềm vui và hy vọng cho không biết bao nhiêu gia đình, con người; mà chính là theo thầy để học được cách ăn, ở, cách làm người ở đời.
Một đời làm thuốc, thầy Thiên Tích đã dạy dỗ cho không biết bao nhiêu lứa học trò. Nhưng theo thầy bền bỉ nhất chỉ có một người - đó là anh. Nhân duyên ấy đã làm nên con người Việt y Chu Xuân Trường ngày hôm nay.
Nhắc đến duyên, trong số các trường hợp chữa bệnh của thầy Thiên Tích, anh đặc biệt nhớ trường hợp một bệnh nhân được thầy chữa thành công bệnh hiếm muộn.
Nhiều năm trước, có một người hàng ngày đi qua trước cửa phòng làm việc của thầy để sang gặp vài vị bác sĩ khác. Việc đi lại ấy kéo dài nhiều ngày tháng. Một hôm, cụ Thiên Tích vẫy người bệnh vào hỏi chuyện rồi bắt mạch. Thì ra, người đàn ông ấy đang đi chữa hiếm muộn.
Cụ kê đơn, bốc thuốc rồi dặn dò cẩn thận việc sinh hoạt, ăn uống… Đến đúng thời điểm quan trọng để vợ chồng “sinh hoạt” thì đột nhiên anh chồng phải đi công tác đặc biệt tận trong Tây Nguyên. Người vợ buộc phải làm một hành trình vào với chồng để tuân thủ chỉ định của thầy. Chuyến đi đó đã có kết quả viên mãn. Vợ chồng nhà ấy sinh được hai người con, lớn lên khỏe mạnh, phương trưởng, thành đạt và trở thành những người có vị trí quan trọng.
Chuyện xảy ra cách đây đã hơn ba mươi năm…
Việt y Chu Xuân Trường trầm ngâm: “Đến giờ, nhớ lại việc ấy, tôi vẫn thấy chữ Duyên trong nghề này rất quan trọng”. Nếu không phải là duyên thì sẽ không bao giờ có được sự gặp gỡ tốt lành ấy.
Ông cũng tích cực tham gia từ thiện giúp người nghèo và các bệnh nhân
Tôn sư trọng đạo
Từ khi thầy bình thản về với tiên tổ trong một giấc ngủ dài, anh trở về làng Vòng. Mấy chục năm không sống ở quê nhà, cảnh vật cũng nhiều đổi thay, những người trẻ lớn lên hầu như không mấy người biết anh, chỉ có các cụ cao niên trong làng khi nhắc đến bố mẹ đẻ anh thì biết và hiểu anh rất rõ.
Từ một anh thanh niên đi học làm thuốc, nay đã là một lương y được nhiều người tin cậy. Việt y Chu Xuân Trường nói, theo thầy mấy chục năm, học nghề thuốc của thầy không chỉ là học theo sách vở, mà với đông y, còn phải hiểu rõ được các nguyên lý về âm dương, ngũ hành, về cái gốc rễ, căn nguyên của bệnh tật. Mỗi người bệnh lại cần xem xét đầy đủ các yếu tố về thời khí, môi trường sống, về sức khỏe bản thân cũng như cơ năng thích ứng của mỗi người. Từ đó mà ra được thuốc, thang làm sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của từng người. Đó mới là việc khó trong đông y.
Về làng cũ, ngoài bức tượng Hải Thượng Lãn Ông, anh còn mang theo bài vị của thầy để thờ phụng. Hàng ngày, anh vẫn thăm khám bệnh nhân và dành thì giờ tiếp tục nghiên cứu. Những ngày cuối tuần bớt bận bịu, anh lại cùng gia đình và một số bạn bè tham gia vào một bếp ăn từ thiện dành cho bệnh nhi đang chữa trị ở Viện huyết học - Truyền máu Trung ương. Đặc biệt, trong những ngày dịch covid 19 hoành hành, anh cũng những người bạn đã quyên góp tặng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người vô gia cư, sinh viên và cả người đi làm bị kẹt lại Hà Nội. Những việc ấy cũng là một cách tích đức, hành thiện, đi theo con đường mà cả đời thầy Thiên Tích đã dạy dỗ anh./.
PV
Từ khóa: