Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ra mắt sách “Tác phẩm cho hợp xướng, a cappella, nhạc thính phòng và giao hưởng”
(LĐXH)-Trong đêm nhạc "Hiện đại và cổ điển" biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, lần đầu tiên âm nhạc giao hưởng có sự kết hợp của nghệ thuật chèo và chầu văn. Sự kết hợp mới mẻ này đã đem đến nhiều bất ngờ và thú vị trong tác phẩm “Vũ điệu chèo và lên đồng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc.
Trước buổi biểu diễn là chương trình giao lưu và giới thiệu sách “Tác phẩm cho hợp xướng, a cappella, nhạc thính phòng và giao hưởng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Tất cả tác phẩm in trong cuốn sách mới xuất bản đã được biểu diễn ở trong và ngoài nước nhiều lần, trừ tác phẩm “Vũ điệu chèo và lên đồng” tác giả viết xong thì dịch Covid-19 ập đến do đó chưa có điều kiện biểu diễn.
“Tác phẩm cho hợp xướng, a cappella, nhạc thính phòng và giao hưởng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc được ra mắt trong đêm nhạc
Phát biểu tại chương trình, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Các tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là sự kết hợp khéo léo và tài tình các chất liệu từ dân ca Việt Nam với những kỹ thuật và bút pháp sáng tác hiện đại của thế giới. Cuốn sách “Tác phẩm cho hợp xướng, a cappella, nhạc thính phòng và giao hưởng” đã được Quỹ đổi mới sáng tạo – Tập đoàn Vingroup tài trợ thực hiện.
Cuốn sách “Tác phẩm cho hợp xướng, a cappella, nhạc thính phòng và giao hưởng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc không chỉ để phục vụ cho biểu diễn mà còn là tài liệu quý cho rất nhiều học sinh, sinh viên có thể học hỏi, và cũng là một cách để lưu giữ những giá trị văn hóa Việt Nam để giới thiệu ra bạn bè quốc tế.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phát biểu tại lễ ra mắt sách
Nhạc sĩ Đặng Thái Sơn gần đây đã chia sẻ, hiện nay ở Việt Nam những cuốn sách in những bản nhạc giao hưởng của chính các nhạc sĩ Việt Nam do NXB Việt Nam xuất bản đang còn rất hiếm hoi, có thể nói hàng chục năm nay chưa có cuốn sách lớn như cuốn sách “Tác phẩm cho hợp xướng, a cappella, nhạc thính phòng và giao hưởng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Và đó là điều rất cần thiết để âm nhạc được phát triển và có thể để phục vụ cho giảng dạy, phục vụ cho nền âm nhạc Việt Nam.
NSND Quang Thọ khẳng định: "Đây là cuốn sách rất hay, rất quý với chúng tôi - những người dạy thanh nhạc. Những tác phẩm, bài hát Việt Nam hầu hết những nhạc sĩ nổi tiếng không viết phần đệm piano nhưng với 60 tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đều có 60 bản phần đệm đó và người thực hiện phần đệm đó chính là nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc".
Trong đêm nhạc "Hiện đại và cổ điển", dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Ba Lan Wojciech Czepie, dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã biểu diễn tác phẩm "Vũ điệu chèo và lên đồng". Ở tác phẩm này, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã sử dụng các làn điệu chèo: Con gà rừng, Xẩm xoan, Cách cú, Hề mồi, Bình thảo, Lưu không, với chầu văn là Dọc Cờn Xá. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết, lần đầu tiên trống đế của chèo được chơi như 1 soloist trong dàn nhạc giao hưởng gồm 80 người.
Chèo là loại hình nghệ thuật tiêu biểu của sân khấu cổ truyền Việt Nam, và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Bên cạnh đó, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Âm nhạc trong lên đồng gọi là chầu văn có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới...
Việc đưa hai loại hình nghệ thuật Chèo và lên đồng vào dàn nhạc giao hưởng là nỗ lực rất lớn của những người làm nghệ thuật trong bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống tới giới trẻ cũng như bạn bè thế giới.
Thưởng thức tác phẩm "Vũ điệu chèo và lên đồng", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ ông cảm nhận được tinh thần lễ hội với mùa màng thôn quê và cả nhịp điệu tươi mới của thành phố.
Bên cạnh tác phẩm "Vũ điệu chèo và lên đồng", đêm nhạc có phần biểu diễn độc tấu của tài năng Nguyễn Việt Trung với bản piano concerto số 23, các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội biểu diễn bản giao hưởng số 7 của Beethoven, bản "Restored torch".
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (sinh năm 1953) học nhạc từ năm 10 tuổi. Ông là một nhạc sĩ được đào tạo chính quy cả 2 chuyên ngành là Sáng tác và Biểu diễn piano, tại Nhạc viện Hà Nội, đã từng đi tu nghiệp ở Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp). Một số tác phẩm viết cho piano của ông (như Suite và Sonate polyphonique) đã được NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn ở trong và ngoài nước. Ông đã thể hiện nhiều phong cách khác nhau trong sáng tác, từ cổ điển tới nhạc tiền phong (avant-garde).
Ngoài mảng viết cho nhạc giao hưởng-thính phòng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc còn viết hàng trăm ca khúc và romances, đặc biệt là tập “Tuyển chọn 60 romances và ca khúc cho giọng hát và piano” là một tuyển tập viết cho thanh nhạc có đầy đủ cả phần piano (trong đó có những bài đã được phổ biến rộng rãi trong công chúng như: “Trăng chiều”, “Ru con mùa Đông”, “Tôi vẫn hát”). Ông cũng đã viết nhạc cho nhiều phim truyện và nhiều vở diễn sân khấu như các phim nhựa: “Ngõ hẹp”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Tướng về hưu”, “Người đàn bà bị săn đuổi”, “Dòng sông hoa trắng”, “Đêm Bến Tre”...
Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 13 (tháng 12/2001), ông đã giành cả 2 giải Âm nhạc xuất sắc nhất cho phim nhựa “Mùa ổi” và phim video “Nắng chiều”. Ông còn giành giải “Kim Tước” cho Nhạc phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 (tháng 6/2005) cùng một số giải thưởng khác ở trong nước. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2012.
Tuyển tập "60 romances và ca khúc cho giọng hát và piano" của Đặng Hữu Phúc được xem như một tuyển tập thanh nhạc đầu tiên của một tác giả ở Việt Nam có đầy đủ phần piano, hiện tuyển tập này là giáo trình âm nhạc cho các sinh viên nhạc viện.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
Cuốn sách “Tác phẩm cho hợp xướng
nhạc thính phòng và giao hưởng”
nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc
Đêm nhạc \"Hiện đại và cổ điển\"
Vũ điệu chèo và lên đồng
-
Chặng “nước rút” của TikTok Awards Việt Nam 2024: Câu chuyện nào sẽ được xướng tên vào ngày 23/11 sắp tới
22-11-2024 18:20 50
-
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quận Tây Hồ
22-11-2024 18:20 30
-
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" với những tác phẩm mang tinh thần Phật giáo
22-11-2024 11:00 04
-
NSƯT Hồng Liên, Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
17-11-2024 22:24 57
-
Chính thức khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
17-11-2024 20:02 08
-
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí
16-11-2024 19:33 40