Xã hội
Nhân rộng mô hình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho phụ nữ nghèo
09:19 AM 14/08/2020
(LĐXH) - Thực hiện Kế hoạch xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho phụ nữ nghèo hướng đến thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác; kế hoạch nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ Hội LHPN không chuyên trách cấp xã tại địa bàn xã 135, xã trong chương trình đồng hành với phụ nữ biên cương. Đặc biệt, trong 2 năm (2019 – 2020), Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả hướng tới giảm nghèo bền vững cho từng hội viên…
Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo trong phát triển kinh tế gia đình...
Phát tuy tính sáng tạo, chủ động tuyên truyền
Trước tiên, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò của phụ nữ trong công tác giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế. Hình thức tuyên truyền thông qua các cuộc sinh hoạt chi/tổ, các cuộc hướng dẫn, tư vấn tại địa bàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh của địa phương, trên các trang mạng xã hội... Qua đó, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu rõ sự khác nhau giữa hỗ trợ cho không và hỗ trợ có điều kiện; sự cần thiết, lợi ích liên kết, hợp tác trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, kiến thức về nâng cao năng lực giảm nghèo... từng bước giúp chị em thay đổi nhận thức, tự nguyện tham gia mô hình sinh kế, tự nguyện phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Tiếp đó, trong công tác chỉ đạo điều hành, Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực về hoạt động giảm nghèo cho cán bộ Hội cơ sở, đặc biệt là những cơ sở thuộc chương trình 135, chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 – 2020 của Hội LHPN Việt Nam; Quan tâm hỗ trợ phụ nữ nghèo thuộc vùng khó khăn, biên giới, hải đảo thông qua xây dựng, nhân rộng mô hình sinh kế theo hướng liên kết bền vững, gắn với thế mạnh của địa phương... Ban hành một số văn bản chỉ đạo các cấp Hội trong thực hiện hoạt động về việc: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho phụ nữ nghèo theo hướng thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình giảm nghèo; Nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ Hội LHPN không chuyên trách cấp xã tại địa bàn xã 135, xã trong Chương trình đồng hành với phụ nữ biên cương năm 2019. Đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phát huy sự chủ động sáng tạo của các cấp Hội trong hoạt động xây dựng mô hình sinh kế; gắn kết vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội, Ban quản lý tổ hợp tác/tổ liên kết/hợp tác xã trong công tác vận động, hỗ trợ thay đổi nhận thức của hội viên, phụ nữ, thành viên tham gia mô hình. Chỉ đạo gắn kết đồng bộ nhiều giải pháp trong hỗ trợ xây dựng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình...
Tại địa phương, các cấp hội đã chủ động sáng tạo trong triển khai xây dựng nhân rộng mô hình, gắn kết các giải pháp giữa công tác tuyên truyền, vận động với hoạt động hỗ trợ, chú trọng xây dựng mô hình phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các hoạt động chính được triển khai là: Tuyên truyền, vận động phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, vận động phụ nữ tích cực tham gia mô hình đa dạng hóa sinh kế, từng bước giảm nghèo bền vững; Hỗ trợ các thành viên tham gia mô hình trong lựa chọn cây con giống, trang thiết bị, nguyên vật liệu, công cụ sản xuất; Hướng dẫn các thành viên cách thức hoàn vốn và luân chuyển nguồn vốn được hỗ trợ cho các thành viên mới; Biên soạn các biểu mẫu, sổ ghi chép gửi đến từng thành viên; đồng thời hướng dẫn các thành viên biết cách ghi chép thu chi, theo dõi quá trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; Phối hợp tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc vận động nguồn lực, hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật, kết nối thị trường nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đồng thời duy trì, nhân rộng các mô hình được hỗ trợ trong các năm tiếp theo...
...và phát huy tính chủ động hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
Khó khăn và những định hướng
Có thể nhận thấy, năm 2019, được sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ sát sao của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, các cấp Hội phụ nữ đã chủ động xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo được chính quyền địa phương và chị em phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng, qua đó khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của phụ nữ nghèo, từ đó kích hoạt các nguồn lực hiện có và hình thành một tinh thần chủ động, để họ có thể phát huy một cách hiệu quả nhất sự hỗ trợ từ bên ngoài. Từng bước nhân rộng mô hình giảm nghèo cho phụ nữ đã có sự lan tỏa nhất định trong đời sống xã hội. Chị em phụ nữ phát huy tính liên kết hợp tác trong sản xuất, chăn nuôi, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ cho không của Nhà nước, hình thành thói quen tiết kiệm để tái đầu tư, hoàn lại giá trị được hỗ trợ cho phụ nữ khác, để giúp nhiều phụ nữ nghèo được hưởng lợi từ chính sách, đồng thời quyết tâm vươn lên thoát nghèo sau khi tham gia mô hình. Thông qua việc tham gia các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, tổ liên kết… chị em được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường từ đó, giúp cho chị em sản xuất ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, nâng cao sức khỏe đời sống người dân…
Cụ thể, trong năm 2019, TW Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với Hội LHPN các tỉnh xây dựng 18 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho phụ nữ nghèo tại 14 tỉnh thông qua thành lập các tổ hợp tác/tổ liên kết/hợp tác xã và trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, kiểm tra giám sát mô hình ở những địa bàn khó khăn, các mô hình chủ yếu tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho gần 300 cán bộ Hội không chuyên trách của các xã biên giới, xã thuộc 135, xã trong chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương của 32 tỉnh.
Thông qua các mô  hình, dự án đã tạo việc làm ổn định cho 342 phụ nữ tham gia và gián tiếp tạo việc làm không thường xuyên cho khoảng 600 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hầu hết, các thành viên sau khi tham gia mô hình thu nhập tăng lên từ 500.000đ/tháng đến 2.500.000đ/tháng/thành viên. Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, chính quyền địa phương trong hỗ trợ phát triển sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ được tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo, các cán bộ Hội không chuyên trách cấp xã làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận đông, định hướng, hướng dẫn cho các thành viên tham gia mô hình giảm nghèo, cũng như các chị em khác cách thức phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên giảm nghèo. Đặc biệt, từ những mô hình giúp liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, góp phần thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ, đáp ứng yêu cầu người phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do việc chuyển kinh phí làm 2 đợt, mỗi đợt 50% chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của mô hình, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, việc lựa chọn đối tượng ban đầu còn khó khăn bởi một số chị em dân tộc thiểu số có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, còn e ngại tham gia mô hình. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, dịch tả lợn Châu phi, hạn hán... đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện của một số mô hình. Đặc biệt, công tác kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế (mô hình tổ hợp tác chăn nuôi gà đen thương phẩm tại Cần Nông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng; tổ hợp tác trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Chia sẻ về kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2020, bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển kinh tế cho biết: “Ngay từ những tháng đầu năm 2020, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo trong việc thực hiện xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho phụ nữ nghèo hướng đến thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác; tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ Hội LHPN không chuyên trách cấp xã. Dự kiến hỗ trợ 7 mô hình giảm nghèo được lựa chọn tại 7 tỉnh có các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 gắn với địa chỉ được hỗ trợ trong Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương của Hội LHPN Việt Nam và tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát thực hiện chương trình cho cán bộ Hội không hưởng lương tại các xã biên giới tại 8 tỉnh (4 tỉnh khu vực phía Bắc, 2 tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên, 2 tỉnh thuộc khu vực miền Nam). Tiếp tục phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động xây dựng, nhân rộng mô hình; tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo. Tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra giám sát quá trình triển khai, thực hiện mô hình đồng thời kết nối với các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của mô hình. Lồng ghép với các chương trình, phong trào của Hội để biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tham gia mô hình...”./.
Nguyễn Hữu Bắc
 
Từ khóa: