Thế hệ "khó chiều"
Họ đến văn phòng trong bộ đồ thể thao, tóc vẫn còn kẹp lô, đi quanh công ty với AirPods cắm chặt vào tai. Khi đồng hồ điểm 6 giờ, họ đã sẵn sàng cầm túi xách để ra về mặc kệ công việc còn dang dở. Ít nhất, đó là những gì mà người ta hay nói về gen Z.
Những câu chuyện về nhân viên Gen Z đã trở thành giai thoại trong các văn phòng Hàn Quốc. Từ phòng nghỉ đến phòng họp, những câu chuyện về sự vụng về hay cách làm việc "khó đỡ" của họ lan truyền với tốc độ chóng mặt. Mỗi lần kể lại phần nào phóng đại hơn trước.
“Tôi chưa từng thấy điều gì giống như vậy”, Kim, một nha sĩ 57 tuổi điều hành phòng khám ở phía nam Seoul chia sẻ. Giọng bà Kim lộ rõ vẻ bực bội khi nói về những nhân viên trẻ – những người vừa tốt nghiệp, trong độ tuổi từ 20-25.
“Hễ cứ nhắc đến trách nhiệm công việc là họ lại phản ứng ngay. Họ luôn nói: "Nhưng cái đó không có trong hợp đồng của tôi" hoặc "Hết giờ làm rồi". Những đứa trẻ này thực sự rất khó làm việc cùng”.
Những lời phàn nàn về thế hệ nhân viên gen Z ở Hàn Quốc ngày càng lan rộng, được khuếch đại qua các bài đăng trên mạng xã hội và các chương trình hài kịch. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là chương trình "MZ Office" của SNL Korea. Trong đó, nhân viên trẻ được miêu tả là những người ích kỷ, quay TikTok ngay trong cuộc họp và thậm chí còn yêu cầu sếp mua cà phê đá cho họ.

Nhưng thực sự thì những nhân viên trẻ "khó chiều" này là ai? Và liệu những hình ảnh đó có đúng sự thật?
Vượt qua khuôn mẫu định sẵn
Dù không hoàn toàn thoải mái với cách truyền thông mô tả, những người thuộc thế hệ Gen Z trả lời phỏng vấn Korea Herald thừa nhận rằng, thế hệ của họ có cách tiếp cận công việc khác biệt.
“Chắc là tôi chưa có kinh nghiệm đi làm toàn thời gian. Nhưng tôi nghĩ, thế hệ chúng tôi chắc chắn biết cách lên tiếng bảo vệ quyền lợi bản thân. Việc người ta nhận xét tất cả chúng tôi đều là những kẻ gây rối là không đúng. Theo tôi thấy, ai cũng đang cố gắng để hòa nhập mà thôi”, Lee Ye-eun, 24 tuổi, chia sẻ.
Woo Ye-rin, 19 tuổi, thường xuyên xem các tiểu phẩm hài về môi trường làm việc trên mạng xã hội cũng đồng tình: “Những nhận xét của mọi người về Gen Z có phần đúng. Tôi biết có những người rất cứng đầu và ích kỷ. Nhưng cách chúng tôi bị nhắc tới trên TV thì quá lố rồi. Hầu hết những người tôi biết khi bắt đầu đi làm đều rất cẩn trọng trong việc tạo ấn tượng tốt”.
Hệ quả của hoàn cảnh thời đại
Các chuyên gia cho rằng những đặc điểm dù là thật hay bị hiểu lầm của Gen Z không phải ngẫu nhiên mà có. Chúng được hình thành bởi bối cảnh kinh tế, xã hội mà họ trưởng thành trong đó.
“Sự kiện lịch sử quan trọng sẽ định hình ý thức chung của một thế hệ, đặc biệt là khi họ ở độ tuổi vị thành niên vào thời điểm đó. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, 2008 đã thay đổi sâu sắc bối cảnh kinh tế – xã hội của Hàn Quốc và để lại dấu ấn khó phai trong những người sinh vào những năm 90 và đầu năm 2000”, Han Min, nhà tâm lý học văn hóa giảng dạy tại Đại học Ajou giải thích.
Thế hệ này đã chứng kiến cha mẹ họ chật vật trong thời kỳ kinh tế đầy biến động. Nhiều người đã thấy hàng xóm mất nhà cửa, cha mẹ thất nghiệp, gia đình tan vỡ vì bất ổn tài chính. Tỷ lệ tăng trưởng thấp kéo dài và sự bất ổn trong việc làm sau đó đã định hình cách họ tiếp cận công việc và cuộc sống.
“Một số đặc điểm của Gen Z bị thế hệ trước xem là ích kỷ nhưng thực chất họ chỉ đang tự bảo vệ. Họ sớm nhận ra rằng những hứa hẹn về sự nghiệp ổn định cả đời hay văn hóa trung thành với công ty không còn chắc chắn như trước nữa”, nhà tâm lý học Han Min nói.

Những công dân số đầu tiên
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là điện thoại thông minh – dấu ấn rõ rệt nhất của Gen Z ở Hàn Quốc cũng như trên thế giới.
Gen Z sinh ra đã có smartphone. Đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Cuộc cách mạng smartphone đến với Hàn Quốc muộn hơn so với Bắc Mỹ và Tây Âu. Khi iPhone ra mắt năm 2007 và BlackBerry trở nên phổ biến năm 2008 thì Hàn Quốc vẫn chủ yếu sử dụng điện thoại gập đến tận năm 2010.
Cuộc chuyển đổi thực sự bắt đầu từ 2010 đến 2012, khi các ông lớn trong nước như Samsung và LG chính thức bước vào thị trường smartphone. Đến tháng 5/2013, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Hàn Quốc đã đạt 70%, thay đổi hoàn toàn cách người trẻ tương tác với thế giới.
Sự thay đổi nhanh chóng này cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook và ứng dụng nhắn tin như KakaoTalk đã tạo ra một ranh giới rõ ràng giữa các thế hệ và định nghĩa thế nào là Gen Z ở Hàn Quốc, theo Park Jun-young, tác giả cuốn Gen Z’s Smartphone cho biết.
“Gen Z ở đây là những công dân số thực thụ. Họ không chỉ sử dụng công nghệ mà sống và thở cùng nó. Điều này giúp họ vừa là người tiêu dùng vừa là người sáng tạo nội dung, theo đuổi những sở thích riêng của mình”, tác giả Park nói với Korea Herald.
Trong quá trình nghiên cứu thói quen sử dụng smartphone của 300 người dùng Gen Z Hàn Quốc trong vòng 2,5 năm, Park phát hiện ra rằng định kiến về Gen Z lười biếng và thiếu động lực không phản ánh đúng thực tế.
“Gen Z Hàn Quốc được phản ánh phần nào qua những ứng dụng họ sử dụng. Rất nhiều ứng dụng trong số đó liên quan đến phát triển bản thân và quản lý thời gian. Thế hệ trước có thể coi họ là lười biếng, nhưng thực tế họ đang theo đuổi con đường riêng để phát triển và đạt được mục tiêu của mình”, Park giải thích.
Những lời phàn nàn về thế hệ trẻ chưa bao giờ là câu chuyện mới. Nó lặp đi lặp lại qua nhiều thời đại.
“Khi các nhóm không có nhiều tương tác trực tiếp, họ dễ nhìn nhau qua lăng kính định kiến. Nhưng thực tế là những người trẻ chỉ đang cố tìm cách thích nghi với thế giới mà họ được thừa hưởng”, Han Min - nhà tâm lý học văn hóa giải thích.
Băng Tâm
-
Hiểu lầm tài xế taxi bắt cóc, nữ sinh viên tử vong khi nhảy khỏi xe
20-02-2025 17:30 05 -
Sự thật về chiếc váy hồng trăm người mặc lan truyền khắp mạng xã hội
20-02-2025 17:30 01 -
Vừa cầm bóng bay vừa thổi nến sinh nhật, cô gái bị bỏng khắp mặt
20-02-2025 15:43 42
-
Giáo viên tiểu học Hàn Quốc gây sốc vì cười lớn sau khi đâm chết học sinh 8 tuổi
19-02-2025 18:19 55 -
'Siêu nhân sườn xám' thành người hùng khi cứu bé gái đuối nước
19-02-2025 15:15 18 -
Động viên bệnh nhân giảm béo, bác sĩ phẫu thuật giảm 25kg trong 42 ngày
19-02-2025 10:30 37