Xã hội
Nhiều dấu ấn trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2020
04:26 PM 20/01/2021
(LĐXH) - Ngày 20/1/2021, tại Hà Nội, Cục Trẻ em tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà và Cục trưởng Đặng Hoa Nam. Tham dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam; đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể cùng đông đảo lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực
Theo báo cáo tại Hội nghị do ông Đặng Hoa Nam trình bày, hiện cả nước có 24.776.733 trẻ em (chiếm 25,75% dân số). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, đến cuối năm 2020 còn khoảng 7% (năm 2019 là 7,16%). Năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và các chuẩn mực quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng
Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em dân tộc thiểu số tại địa bàn đặc biệt khó khăn được cấp hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) giảm còn 12,3% năm 2019 (năm 2018 là 13,2%). Các chỉ tiêu cơ bản về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em phản ánh khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đều đạt độ bao phủ phổ cập và duy trì chất lượng dịch vụ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 14,3 năm 2018 xuống 14,0 năm 2019. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 21,4 năm 2018 xuống 21,0 năm 2019. Số trẻ em tử vong do đuối nước giảm qua các năm, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ cao.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Về giáo dục
Giáo dục mầm non: Tổng số học sinh trên 5 triệu trẻ em (tăng 2,2% so với năm 2019), trong đó có trên 4 triệu trẻ em trường công lập (giảm 1.2% so với năm 2019) và trên 900 nghìn trẻ em trường ngoài công lập (tăng 18,5% so với năm 2019). 100% các tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.
Giáo dục tiểu học: Tổng số học sinh trên 8,7 triệu trẻ em (tăng 2,6% so với năm 2019), trong đó có trên 8,6 triệu trẻ em trường công lập (tăng 2,4% so với năm 2019) và trên 121 nghìn trẻ em trường ngoài công lập (tăng 16,3% so với năm 2019).
Giáo dục trung học cơ sở: Tổng số học sinh trên 5,6 triệu trẻ em (tăng 3,4% so với năm 2019), trong đó trên 5,5 triệu trẻ em trường công lập (tăng 3,2% so với năm 2019) và trên 77 nghìn trẻ em trường ngoài công lập (tăng 23,2% so với năm 2019).
Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực; số trẻ em độ tuổi đi học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều tăng so với năm học 2018-2019, góp phần quan trọng trong việc tiếp cận giáo dục, bảo đảm quyền được giáo dục và học tập của trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và Cục trưởng Đặng Hoa Nam trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2020.
Về bảo vệ trẻ em
Năm 2020, thống kê toàn quốc phát hiện 2.209 đối tượng xâm hại trẻ em (giảm 110 đối tượng so với năm 2019), xâm hại 2.008 em (giảm 109 em so với năm 2019); trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.583 đối tượng, xâm hại 1.576 em; trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác là 626 đối tượng xâm hại 432 trẻ em.
Theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 (công bố tháng 12 năm 2020) tổng số lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm tỷ lệ 5,36% trẻ em trong độ tuổi 5-17, giảm 4,24% so với kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, dự kiến đến cuối năm 2020 còn khoảng 7% (năm 2019 là 7,16%). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tăng hằng năm, ước thực hiện đến cuối năm 2020 đạt 72% (năm 2019 là 70%).
Công tác quản lý nhà nước về trẻ em được tăng cường
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, trong năm 2020, hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em tiếp tục được hoàn thiện, giải quyết các vấn đề về trẻ em và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Năm 2020, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em nhìn chung bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, để ứng phó đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có trẻ em, Cục Trẻ em đã kịp thời tham mưu cho Bộ Loa động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UNCEF có các biện pháp hỗ trợ cho trẻ em. Đồng thời, phối hợp UNICEF xây dựng kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên bị ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai, bão, lũ.
Cục Trẻ em cũng tham mưu Lãnh đạo Bộ phối hợp với các bộ, ngành tăng cường rà soát, bổ sung, xây dựng và tham gia ký phê duyệt các kế hoạch phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em. Riêng trong năm 2020, Cục Trẻ em xây dựng và triển khai ký kết phối hợp liên ngành với 4 bộ, ngành: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xử lý các vụ việc, vấn đề liên quan đến trẻ em.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ phát biểu tại Hội nghị
Năm 2020, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 687.750 cuộc gọi, tăng 180.793 cuộc so với cùng kỳ năm 2019, tư vấn 29.507 ca. Cục tham mưu tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện Luật trẻ em và quyền trẻ em tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức kiểm tra chuyên đề về bảo vệ trẻ em tại các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Tổ chức kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật địa phương về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế lĩnh vực trẻ em.
5 nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý trong năm 2021
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2020 của Cục Trẻ em, đặc biệt là các lĩnh vực: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết đánh giá các Đề án, Chương trình của Chính phủ ban hành; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường sức mạnh của mạng lưới bảo vệ trẻ em; Triển khai Luật trẻ em; Làm tốt việc thông tin và xử lý các vấn đề đột xuất; Công tác kiểm tra cơ sở đến được vùng khó khăn; đội ngũ cán bộ là công tác trẻ em nhiệt huyết….
Về định hướng năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Cục Trẻ em tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: (1) Xây dựng chiến lược dài hơi, có lộ trình chặt chẽ và phối hợp cụ thể với các đơn vị để tận dụng tối đa nguồn lực nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các Chương trình, dự án đã được phê duyệt. (2) Có hướng dẫn kịp thời để các cán bộ cơ sở triển khai hiệu quả. (3) Rà soát các văn bản pháp luật, cái nào chồng chéo thì xử lý, chưa có thì ban hành mới, bất cập thì thay thế. (4) Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương và làm tốt công tác truyền thông, sao cho truyền thông phải đia trước, định hướng, giới thiệu các mô hình, điển hình, xử lý tốt các tình huống phát sinh. (5) Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm trong nội bộ; phân công, bố trí công việc hợp lý nhằm phát huy tối đa năng lực đội ngũ cán bộ của Cục.
Đức Dương
Từ khóa: