Xã hội
Nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương Giao Thủy
04:15 PM 09/12/2024
(LĐXH)- Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) luôn quan tâm thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", với nhiều hoạt động tri ân, dành nhiều nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho các gia đình chính sách trên địa bàn.
Thống kê cho thấy, toàn huyện có 2.800 liệt sĩ; hơn 2.000 thương binh, bệnh binh; gần 2.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy, người bị nhiễm chất độc hóa học; 238 Mẹ Việt Nam anh hùng và hơn 1.000 thân nhân người có công.
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã thường xuyên bám sát chương trình, kế hoạch, các chủ trương của cấp ủy, chính quyền huyện; sự lãnh đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chế độ chính sách người có công, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.
Thế hệ trẻ của huyện triển khai nhiều hoạt động ý nghĩ tri ân người có công
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ, các ngày lễ, Tết, huyện đã tiếp nhận và trao tặng quà của Chủ tịch nước, của UBND tỉnh cho các đối tượng chính sách; thăm, tặng quà cho đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm nay, huyện Giao Thủy cũng đã tiếp nhận và trao quà cho các đối tượng với tổng số tiền trên 6,6 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận gần 5.700 suất quà của Chủ tịch nước với số tiền trên 1,7 tỷ đồng; hơn 5.700 suất quà của tỉnh với số tiền gần 4 tỷ đồng cùng gần 5.700 suất quà của huyện.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ mỗi trường hợp 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở, UBND huyện phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách 12 gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn đề nghị hỗ trợ.
Theo tinh thần Nghị định số 131 của Chính phủ, huyện đã phát động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp ủng hộ một ngày lương; các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ủng hộ từ 500.000 đồng trở lên. Tại xã cũng vận động mỗi nhân khẩu ủng hộ từ 5.000-10.000 đồng.
Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện hằng năm đã huy động từ 60 -100 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ, toàn huyện đã xây dựng trên 200 căn nhà tình nghĩa tặng cho các gia đình chính sách; sửa chữa trên 50 nhà cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng với tổng trị giá gần trên 6 tỷ đồng.

Riêng tại thị trấn Ngô Đồng, với tấm lòng tri ân, thể hiện sự biết ơn đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn đã dành đáng kể nguồn kinh phí để tôn tạo, nâng cấp, tu sửa các hạng mục công trình Nghĩa trang Liệt sĩ địa phương. Trong đó, năm 2020 đầu tư nâng cấp phần tượng đài, nhà bia, hệ thống điện chiếu sáng có mức đầu tư gần 890 triệu đồng; năm 2022 cải tạo, nâng cấp cổng, tường rào, vỉa hè trước nghĩa trang với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng; đến năm 2023 tiến hành cải tạo phần nền và một số hạng mục liên quan với tổng mức đầu tư qua các năm cho đến nay là trên 3,1 tỷ đồng…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành huyện Giao Thủy tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, gia đình chính sách. Quan tâm thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt cho thế hệ lớp trẻ. Tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng và đẩy mạnh tiến độ xác nhận, thẩm định đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với các đối tượng chính sách.
Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ; xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, Đài tưởng niệm ghi công các anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”, động viên các gia đình chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao mức sống, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, bền vững
Được biết, năm 2024, lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có sự phát triển toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt. Đến hết năm 2024, toàn huyện sẽ có 17/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh./.
Hà Lê
Từ khóa: