Ninh Bình: Tăng cường đối thoại để giảm nghèo hiệu quả
Để giảm nghèo hiệu quả một trong những yêu cầu quan trọng đó là chính sách hỗ trợ phải thiết thực, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo. Thời gian qua, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với đối tượng thụ hưởng chính sách nhằm đánh giá hiệu quả, mức độ phù hợp của các chính sách hỗ trợ, từ đó làm tốt công tác tham mưu để tỉnh xây dựng chương trình giảm nghèo phù hợp với thực tiễn.
Tăng cường công tác đối thoại
Những ngày đầu tháng 10, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, cận nghèo trên phạm vi toàn tỉnh với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Chị Trần Thị Thêu, xã Định Hóa (huyện Kim Sơn) có mặt tại buổi đối thoại từ khá sớm. Ngay sau khi được đại diện các cơ quan chức năng phổ biến một số nội dung quan trọng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chị Thêu gửi câu hỏi đến Ban tổ chức. Chị Thêu cho biết chồng chị mất sớm, để lại cho chị 4 đứa con thơ dại, trong đó có một bé út bị bệnh tim bẩm sinh. Vài năm trước, con gái chị được hỗ trợ mổ tim miễn phí nên sức khỏe đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, theo chỉ định của bác sĩ, con gái chị sẽ phải thêm một lần phẫu thuật nữa, chị Thêu rất lo lắng về khoản tiền cho ca phẫu thuật sắp tới. “Theo cán bộ Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thì con tôi sẽ vẫn được nhận hỗ trợ trong ca phẫu thuật tiếp theo, tôi bớt hẳn nỗi lo lắng. Sự quan tâm thiết thực của tỉnh, của các ngành chức năng và các tấm lòng hảo tâm sẽ là động lực để hộ nghèo chúng tôi vươn lên”- chị Thêu cho biết.
Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời tại buổi tiếp xúc, đối thoại chính sách với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Yên Khánh
Cũng như chị Thêu, nhiều băn khoăn, trăn trở, những nguyện vọng, kiến nghị được các hộ nghèo bày tỏ tại buổi đối thoại tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ khám, chữa bệnh, mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn để sản xuất, giảm lãi suất vay vốn, các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, chính sách hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám, chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH... đều đã được đại diện các cơ quan, ban, ngành chức năng trả lời cụ thể, thỏa đáng. Không những được cung cấp những thông tin cần thiết, mà qua các buổi tiếp xúc trực tiếp, các hộ nghèo đều cảm nhận được sự động viên, sẻ chia của các ngành chức năng đối với hoàn cảnh của mỗi người.
Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Mặc dù hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tuy nhiên để sự hỗ trợ ấy có trọng tâm, trọng điểm, thực sự tạo đà cho người nghèo vươn lên thì việc nắm rõ nguyên nhân nghèo là vô cùng quan trọng. Và để hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo thì việc tổ chức đối thoại chính sách với người nghèo là một cách làm sáng tạo và đã khẳng định được hiệu quả. Qua phân tích số liệu rà soát kết hợp với các buổi tiếp xúc trực tiếp cho thấy, nguyên nhân nghèo chủ yếu là hộ có người ốm đau nặng dài ngày, do thiếu lao động, thiếu vốn, phương tiện sản xuất; số ít do lười lao động và do các nguyên nhân khác... Cũng từ các buổi tiếp xúc này mà các ngành chức năng sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Kết quả sau những cuộc đối thoại này là việc lập kế hoạch và giám sát các hoạt động can thiệp trong công tác giảm nghèo.
Nhiều phương thức hỗ trợ người nghèo
Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao độn- Thương binh và Xã hội cho biết thêm, việc thu thập thông tin đánh giá về nguyên nhân nghèo, nhu cầu về phương thức thoát nghèo… của các hộ nghèo cũng là một trong những cơ sở để tỉnh ta xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020 sát với tình hình thực tế, phát huy tối đa hiệu quả. Theo đó, các chính sách hỗ trợ về giáo dục cho học sinh, sinh viên luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, đã miễn giảm học phí cho 32.494 lượt học sinh với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 12 nghìn lượt học sinh với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực cho 2.580 lượt học sinh bán trú người dân tộc thiểu số với gần 260 nghìn tấn gạo.
Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 636.905 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người dân sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 185,8 tỷ đồng. Đã có trên 4 nghìn lượt người nghèo tham gia khám, chữa bệnh với tổng số tiền hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng; trên 100 lượt hộ cận nghèo tham gia khám, chữa bệnh với số tiền hỗ trợ trên 80 triệu đồng.
Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 830 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg với kinh phí 49.800 triệu đồng. Bên cạnh đó, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” của tỉnh cũng đã vận động và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 60 hộ nghèo, với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 12 hộ nghèo. Sở Tài nguyên và Môi trường đã huy động các nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ cho vay xây mới và nâng cấp công trình cấp nước hộ gia đình cho 32.421 hộ nghèo và cận nghèo xây dựng các công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, góp phần giảm thiểu bệnh tật liên quan đến vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo thêm điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Bình đang triển khai thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền cho vay là trên 1.140 tỷ đồng với 31.655 lượt hộ được vay vốn. Tiêu biểu là Chương trình cho vay hộ nghèo 273 tỷ đồng, với 6.240 lượt hộ nghèo vay vốn; Chương trình cho vay hộ cận nghèo trên 416 tỷ đồng, với 9.639 hộ vay vốn; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trên 964 tỷ đồng, với 23.718 hộ vay vốn; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên trên 66 tỷ đồng, với 4.194 hộ có học sinh, sinh viên vay vốn; Chương trình cho vay nhà ở trên 13 tỷ đồng, với 547 hộ vay vốn; Chương trình xuất khẩu lao động gần 22 tỷ đồng, với 404 hộ vay; Chương trình cho vay hỗ trợ sản xuất vùng khó khăn hơn 242 tỷ đồng, với 7.379 hộ vay vốn... Với những nỗ lực đó, đến nay hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 13.455 hộ, chiếm 4,52%; trên 18 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 6,1%.
PV
Từ khóa:
-
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
20-01-2025 16:19 06
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
20-01-2025 16:19 00
-
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
20-01-2025 11:41 48
-
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
17-01-2025 15:30 19
-
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
17-01-2025 08:11 49
-
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
16-01-2025 15:55 09