Theo thống kê, toàn tỉnh Ninh Thuận có 52/92 cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 56,52% (vượt chỉ tiêu so kế hoạch đề ra đến năm 2024 là 50%). Hiện nay, tổng số lao động được giải quyết việc làm toàn tỉnh là 18.503 người thì có tới 9.627 lao động là nữ, chiếm đến 52,02% lực lượng lao động. Lao động nữ có mặt ở tất cả các thành phần phần kinh tế, các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề đạt 51,01% trên tổng số lao động được đào tạo (cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 50%). Công tác chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em cũng đạt nhiều kết quả đáng kể. Nhằm quyết liệt thay đổi nhận thức của người dân về công tác giới, công tác tuyên truyền được tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo tổ chức thực hiện thường xuyên với các hoạt động thiết thực, cụ thể. Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được về bình đẳng giới nói chung và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng, vẫn còn nhiều bất cập trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ. Đời sống của một bộ phận phụ nữ và trẻ em còn khó khăn, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong những năm gần đây, một trong những vấn đề mang tính nổi cộm và đáng báo động là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, một hình thức của bạo lực giới mà phụ nữ và trẻ em là nạn nhân. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ với con cái hoặc con cái với cha mẹ mà còn xảy ra ở môi trường xã hội nơi lao động nữ làm việc, nơi các trẻ em tham gia học tập, sinh hoạt vui chơi tại cộng đồng. Ngoài ra, những định kiến về giới đã gia tăng gánh nặng lên nữ giới trong việc vừa kiếm tiền tạo thu nhập cho gia đình, vừa phải đảm đương mọi công việc trong gia đình.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 có chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đây là sự kiện truyền thông (diễn ra từ 15/11 – 15/12 hàng năm), là điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.
Sự kiện này nhằm mục đích thu hút sự quan tâm, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững; Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Qua đó, vận động toàn xã hội cùng góp sức tích cực nhằm giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng đã nhấn mạnh: “Cần phải quyết liệt lên án những hành vi vi phạm làm kìm hãm việc thực hiện bình đẳng giới”.
Đồng thời, để chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” được lan tỏa trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai cùng hành động nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; thúc đẩy thực hiện luật pháp, chính sách, vận động xã hội về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, cùng hành động, thông qua hành vi và thái độ ứng xử để hỗ trợ, bảo vệ những trẻ em gái, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình./.
Nguyễn Đăng Doanh
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
20-01-2025 11:41 22
-
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
20-01-2025 07:43 42
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35