Một trong những vấn đề mang tính nổi cộm và đáng báo động trong công tác giới, bình đẳng giới hiện nay là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em - một hình thức của bạo lực giới mà phụ nữ và trẻ em là nạn nhân. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ với con cái hoặc con cái với cha mẹ mà còn xảy ra ở môi trường xã hội nơi lao động nữ làm việc, nơi các trẻ em tham gia học tập, sinh hoạt vui chơi tại cộng đồng.
Trên thực tế, những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Bạo lực gia đình đã và đang ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Tại tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2455/KH-UBND về việc triển khai “Chương trình hành động phòng, chống bạo lực đến năm 2020”; Kế hoạch số 4541/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, địa phương phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 50% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp; 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh các cơ quan truyền thông tiếp cận thông tin. Tầm nhìn đến năm 2030: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm tăng cường thực thi pháp luật và đảm bảo hệ thống dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên
Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản để triển khai đề án. Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của toàn xã hội, năng lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chọn xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam) làm xã thí điểm triển khai Mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng”. Mô hình đã góp phần tuyên truyền về ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới đến sự phát triển của gia đình cũng như sự phát triển bền vững của toàn xã hội và hạn chế bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn.
Trong tháng 4/2019, UNESCO cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn CJ đã khởi động Dự án “We are able” (Chúng tôi có thể), Ninh Thuận là một trong 3 tỉnh được lựa chọn triển khai dự án (cùng Hà Giang, Sóc Trăng). Phụ nữ trẻ và trẻ em gái được xác định là trọng tâm của dự án. Trong 03 năm triển, thông qua các hoạt động, dự án này hướng tới thúc đẩy môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh qua việc nâng cao kiến thức về bạo lực học đường trên cơ sở giới và tăng cường năng lực giáo viên trong công tác tư vấn học đường trên cơ sở giới. Ngoài ra, dự án sẽ nâng cao cơ hội việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua các khóa định hướng nghề nghiệp ưu tiên hay các khóa đào tạo về nâng cao thu nhập và thúc đẩy tiếp cận với các cơ hội việc làm. Đây là hoạt động tiếp nối thành công của Dự án “Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam”.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (1/6-30/6/2020), tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động tạo hiệu ứng tích cực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và các gia đình quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; đồng thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình trên toàn địa bàn. Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tuyên truyền về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tôn vinh giá trị các mối quan hệ trong gia đình. Tăng cường thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới. Duy trì và nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng có thành tích, xuất sắc trong công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.
Trần Huyền
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58
-
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
23-12-2024 16:37 15
-
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
25-12-2024 16:19 46
-
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
20-12-2024 12:36 14
-
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
16-12-2024 12:29 41
-
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
25-12-2024 10:42 32