Lao động
Ninh Thuận tiếp nhận và phê duyệt hơn 4,880 tỷ đồng cho các diện đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP
08:53 PM 08/08/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến ngày 04/8/2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận và phê duyệt 2.953 hồ sơ các diện đối tượng, tương ứng với số tiền trên 4,880 tỷ đồng.
Cụ thể, nhóm hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Ninh Thuận đã chủ động triển khai, tiếp nhận và thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 21.296 lao động, với số tiền 6,507 tỷ đồng của 1.185 đơn vị sử dụng lao động; xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 121 lao động/11 đơn vị; xác nhận danh sách người lao động ngừng việc cho 01 lao động/01 đơn vị.
Mặc dù, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã chủ động triển khai tuyên truyền, phổ biến đến các đơn vị sử dụng lao động về chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, do thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, nhiều doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ báo giảm hoặc gửi các danh sách lao động đề nghị xác nhận hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Đối với việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận đã có văn bản số 1753/SLĐTBXH-LĐGDNN ngày 27/7/2021 đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lập phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa lập phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và chưa phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức lớp đào tạo do giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên đến nay chưa có hồ sơ đề nghị.

Ninh Thuận xác nhận và chi trả hỗ trợ cho lao động tự do

Về nhóm hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và hỗ trợ người lao động ngừng việc, UBND huyện Ninh Sơn đã tiếp nhận và phê duyệt 32 hồ sơ lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và nuôi con nhỏ của các doanh nghiệp.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo trong tháng 7/2021, mặc dù đã tạm dừng hoạt động nhưng để bảo vệ quyền lợi về BHXH của người lao động, các doanh nghiệp vẫn chi đủ lương và tham gia BHXH tháng 7/2021 đầy đủ cho người lao động. Qua thời điểm tháng 8/2021, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu thực hiện tạm hoãn theo quy định hiện hành. Hiện BHXH đã tiếp nhận tạm hoãn 14 đơn vị nhưng chỉ mới có 04 đơn vị trình hồ sơ.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận chưa có trường hợp lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hiện tại, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận nhận được báo cáo từ Ban Điều hành cách ly (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) có 932 người dân phải cách ly tập trung; trong đó, số cách ly tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận là 289 người, tại Công an tỉnh là 141 người, tại Trường Lê Quý Đôn là 26 người, tại Trung đoàn 896 là 476 người. Ban Điều hành cách ly và UBND các huyện đã chủ động chi tạm ứng tiền ăn của người được cách ly.
Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật, tỉnh đã hoàn tất thủ tục, phê duyệt và chi hỗ trợ cho 13 đối tượng (đạt 100%). Đối với hướng dẫn viên du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Thuận đang quản lý 29 đối tượng cấp thẻ hướng dẫn viên; tuy nhiên do giãn cách xã hội nên các hướng dẫn viên gặp khó khăn trong việc liên hệ với đơn vị chủ quản ký hợp đồng lao động để hoàn thiện hồ sơ. Do đó, đến nay mới có 06 hồ sơ nhưng chưa hoàn thiện nên chưa trình UBND tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ sớm liên hệ với tất cả các hướng dẫn viên đang quản lý để hướng dẫn xây dựng hoàn tất hồ sơ theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, hộ kinh doanh đủ điều kiện hưởng đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt là 241 hồ sơ, gồm: Bác Ái 02, Phan Rang – Tháp Chàm 85, Ninh Sơn 36, Thuận Nam 59, Thuận Bắc 06, Ninh Phước 33 và Ninh Hải 20. Hiện nay, ngành Thuế đang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát đối tượng theo quy định.
Theo báo cáo của các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố, đến hết ngày 30/7/2021, đã trao đổi trực tiếp với 2.351 người sử dụng lao động, trong đó trực tiếp gặp gỡ 49 doanh nghiệp, trao đổi qua điện thoại 2.302 đơn vị. Trong đó, tập trung nhiều ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm với 1.571 người sử dụng lao động, do đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên không trực tiếp làm việc. Kết quả, có 02 trường hợp người sử dụng lao động đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn với 74 lao động (hiện nay đang được hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ vay vốn); 208 trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay; 2.141 trường hợp chưa có nhu cầu vay vốn.
Tính từ ngày 17 - 31/7 (đợt 1), các huyện, thành phố đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ và chi hỗ trợ cho 2.659 lao động tự do với số tiền gần 4 tỷ đồng. Đối với đợt 2, do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và các khu vực phong toả để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 nên UBND các huyện, thành phố đang phấn đấu hoàn thành trong ngày 12/8/2021.
Có thể nói, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn hệ thống chính trị ở Ninh Thuận đã nỗ lực vào cuộc, cố gắng thực hiện rà soát, thẩm định, phê duyệt trong thời gian nhanh nhất có thể để chính sách hỗ trợ Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg sớm đến được tay người dân thụ hưởng.
Chí Tâm
Từ khóa: