Nỗ lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình dịch bệnh
(LĐHX) - Đánh giá chung, với tác động tiêu cực, kéo dài, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Mặc dù so với cùng kỳ năm 2020, số người tham gia BHXH, BHYT toàn quốc có sự gia tăng nhưng so với tháng 12/2020, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, BHYT đều giảm.
Cụ thể, tính đến ngày 6/5/2021, toàn quốc số người tham gia BHXH đạt trên 16 triệu người (đạt 32,17% lực lượng lao động trong độ tuổi); trong đó, gần 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, giảm trên 81 nghìn người so với cuối năm 2020; trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, giảm trên 16 nghìn người so với hết năm 2020. Toàn quốc có trên 87 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,44% dân số; giảm 220 nghìn người so với cuối năm 2020. Bên cạnh đó, số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng do nhiều lao động mất việc làm do đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020 đến nay đã đủ điều kiện hưởng…
Mặc dù chỉ số phát triển đối tượng chưa đạt như kỳ vọng nhưng công tác thu BHXH, BHYT, BHTN vẫn ghi nhận sự tăng trưởng với tỷ lệ 7,55% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ nợ trên số phải thu giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất kinh doanh đang có sự phục hồi khi ảnh hưởng giảm của dịch bệnh Covid-19 những tháng đầu năm nay…
Tại Hội nghị giao ban tháng 5/2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có những đánh giá, chỉ đạo với từng lĩnh vực phụ trách. Trong đó, nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách về BHXH, BHYT; thực hiện các quy định mới trong lĩnh vực BHXH, BHYT, đặc biệt là tham gia góp ý, kiến nghị sửa Luật BHXH, BHYT thời gian tới; tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc với địa phương, phối hợp các bộ, ngành; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay; đổi mới công tác truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 ngày 5/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các Bộ, Ngành phải quyết tâm, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao; không được chủ quan, lơ là, đồng thời cũng cần tỉnh táo, sáng tạo có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện.
Với tinh thần đó, nhìn vào những kết quả Ngành BHXH Việt Nam đạt được trong 4 tháng đầu năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá: Toàn Ngành đã đoàn kết, chung sức vượt qua nhiều khó khăn, cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, tuy nhiên những áp lực trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành thời gian tới là rất lớn. Dịch bệnh Covid-19 đã trở thành “bối cảnh chung” không thể lấy làm khó khăn cho mọi vấn đề. Trong tình hình dịch bệnh, Ngành BHXH càng cần phải nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT.
Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu, các đơn vị thực hiện rà soát xây dựng các quy trình nghiệp vụ phù hợp với tình hình mới đảm bảo phân cấp, phân quyền, minh bạch, hiệu quả; đặc biệt là công tác truyền thông vận động người tham gia BHXH, BHYT cần tăng cường hình thực trực tuyến, hạn chế tiếp xúc nhưng vẫn phải đảm bảo hấp dẫn, sinh động, thông điệp truyền thông cần ngắn gọn, dễ nhớ; công tác chi trả các chế độ cũng cần tăng cường giải pháp không dùng tiền mặt; đặc biệt ứng dụng VssID - BHXH số của Ngành cần nhanh chóng hoàn thiện, khắc phục các lỗi để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn…
Nhấn mạnh BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, hiện nay, các Bộ, Ngành đang lấy ý kiến, đánh giá để sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Thanh tra nên các đơn vị trong Ngành phải tích cực tham gia; rà soát, đánh giá tác động để góp ý, truyền thông với mục tiêu tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, bảo đảm quyền lợi của người dân, người lao động, doanh nghiệp…
Về các nhiệm vụ khác, Tổng Giám đốc yêu cầu, các đơn vị rà soát, tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. BHXH các địa phương tiếp tục đôn đốc, tham mưu UBND chỉ đạo UBND cấp quận, huyện nhanh chóng thành lập các Ban chỉ đạo về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, phấn đấu thành lập các Ban chỉ đạo đến cấp xã. Giám đốc BHXH địa phương trực tiếp chỉ đạo quận, huyện tiếp tục rà soát nhằm xây dựng kho dữ liệu về đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT; đồng thời tập trung nhân lực rà soát dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT trên ứng dụng VssID nhằm đảm bảo dữ liệu được chuẩn hoá và đầy đủ…
Thục Quyên
Từ khóa:
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
13-11-2024 08:48 35
-
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
12-11-2024 17:27 31
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25