Xã hội
Nỗ thực trong thực hiện giảm nghèo bền vững ở huyện Yên Thủy
11:25 AM 20/08/2023
(LĐXH) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình những năm qua đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm , phát huy hiệu quả trong việc khai thác sử dụng các nguồn lực thực hiện, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nuôi ong lấy mật đã trở thành nghề sinh kế của nhiều hộ gia đình muốn thoát nghèo
Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong những năm 2021-2023, công tác phân bổ và sử dụng nguồn vốn được huyện Yên Thủy đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và đúng mục tiêu, nội dung, đối tượng của Chương trình. Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được UBND tỉnh phân bổ, cơ quan chuyên môn của UBND huyện đã tham mưu cho UBND huyện phân bổ nguồn vốn đến đơn vị được thụ hưởng nguồn vốn trên triển khai thực hiện kịp thời. Trên cơ sở nguồn vốn trên, UBND các đơn vị tổ chức thực hiện các bước để thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân, thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng các quy định của pháp luật. Cùng với đó, tỉnh cũng huy động nguồn vốn đóng góp từ nhân dân để thực  hiện Chương trình.
Từ kinh phí được giao,  Yên Thủy thực hiện các chương trình, dự án để  giảm nghèo bền vững như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Về các Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt nguồn vốn cho từng xã, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án, mô hình để lập dự án trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt và phân bổ vốn cho dự án, mô hình. Nội dung chi tiết thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thực hiện theo hướng  dẫn của cơ quan cấp trên. Cụ thể, năm 2022, UBND các xã Phú Lai, Lạc Lương, Bảo  Hiệu đã được phân bổ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thông qua việc được hỗ trợ giống bò sinh sản và cuối năm 2022 đã giải ngân 100% vốn được giao. Còn UBND xã Đoàn Kết đã được phân bổ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc được hỗ trợ nuôi ong lấy mật và cuối năm 2022 đã giải ngân 100% vốn được giao.
Theo đánh giá, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là giúp đồng bào về kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi con giống, thực tế qua năm 2022 trên địa bàn huyện tập trung hỗ trợ con giống bò sinh sản, ong mật đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Yên Thủy.
Bên cạnh đó, huyện Yên Thủy cũng thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên. Chẳng hạn như, năm 2023, huyện đã hỗ trợ 1.165 hộ nghèo  tiền đón Tết với số tiền 582,5 triệu đồng. Cấp thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn 19.376 thẻ; người nghèo: 723 thẻ; người cận nghèo: 810 thẻ. Trong quý II năm 2023, huyện thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 2.326 hộ, với tổng số tiền là 386.289.024 đồng. Đồng thời thực hiện truy lĩnh mức hỗ trợ 51.000 đồng lên mức mới 55.374 đồng từ tháng 4/2019 đến tháng 12/2022 cho 7.438 hộ nghèo, tổng số tiền truy lĩnh 357.364.548 đồng…
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các phòng chuyên môn, sự phối hợp tuyên truyền của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân. Quá trình tổ chức thực hiện đều có sự phối hợp chặt chẽ từ huyện đến xã, trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ vốn, hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Chính vì vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Thủy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.  Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở huyện Yên Thủy giảm 2%/năm. Riêng đối với các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4-4,5%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân giảm từ 1,5-2%. Tính đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 1.165 hộ; tỷ lệ hộ nghèo của huyện là  6,33%. Điều kiện sống của người thuộc hộ nghèo đã được cải thiện rõ rệt, một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng: nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, tạo việc làm…giúp họ tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. 
Trong thời gian tới, huyện Yên Thủy sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2022; tổ chức quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản liên quan của Trung ương và của tỉnh về công tác giảm nghèo. chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình; tổ chức quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản liên quan của Trung ương và của tỉnh về công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện giảm nghèo bền vững nhằm khơi dậy ý chí, chủ động vươn lên của người nghèo; biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo. Phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình kịp thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn liền với công tác sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./.
Minh Hằng