Xã hội
Nơi thắp sáng niềm tin cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí
11:18 AM 26/08/2024
(LĐXH) - Với chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm và sự tận tâm, lòng yêu nghề, yêu trẻ, những năm qua, các cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Hoa Hướng Dương (Bắc Giang) đã phát hiện, tư vấn, can thiệp và trị liệu cho hàng ngàn trường hợp trẻ gặp khó khăn về tâm lý, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng, mang lại tương lai cho trẻ và niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Thắp sáng niềm tin cho trẻ tự kỉ, rối nhiễu tâm trí
Tiền thân là Trung tâm can thiệp sớm Sunflower, bắt đầu hoạt động từ ngày 17/1/2014, đến ngày 15/3/2017 chính thức được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho phép thành lập và lấy tên là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Hoa Hướng Dương. Sau hơn 10 xây dựng và phát triển, đến nay, Trung tâm đã có cơ sở ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, giúp phát hiện sớm, can thiệp, trị liệu cho những trẻ em mắc hội chứng rối nhiễu tâm trí (RNTT) như: Tự kỷ, chậm nói, nói ngọng, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ...
Trong một dịp đến Bắc Giang để tìm hiểu về hoạt động phục hồi chức năng cho người tâm thần, RNTT, trẻ tự kỷ trên địa bàn, tôi được giới thiệu đến thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Hoa Hướng Dương. Đó là một ngôi nhà 5 tầng khang trang, to đẹp, được sơn các gam màu tươi sáng và tô điểm nhiều hình họa ngộ nghĩnh, sinh động, đem đến cho mọi người cảm giác thân thiện và an toàn. Lúc này là khoảng 9 giờ sáng, tất cả các lớp học đều đã ổn định trật tự, chỉ còn một vài bé đang chơi các trò chơi vận động bên cạnh giáo viên và một số phụ huynh đến trao đổi tình hình học tập của trẻ.
Cô giáo quản lý Trung tâm dẫn tôi đi thăm các lớp học và cho biết mỗi lớp học là một nội dung giáo dục khác nhau. Các lớp can thiệp cá nhân thì có một cô một trò, các lớp học kỹ năng theo nhóm thì từ 3 – 5 em, lớp học văn hóa với khoảng hơn 10 học sinh. Cảm nhận của tôi khi trực tiếp được quan sát quá trình can thiệp, trị liệu đó là tình yêu thương, sự nhẫn nại, kiên trì của giáo viên để giúp các con phát âm tròn vành rõ chữ hơn, nắn cho các con viết nét chữ đúng hơn, hay đó chỉ là lời động viên, khích lệ để con nói được một từ đơn giản nào đó.
Các cán bộ, giáo viên Trung tâm luôn dành tình yêu thương cho các con
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai, người đã gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu cho biết: Trung tâm xây dựng môi trường phù hợp để trẻ có thể tham gia học tập một cách tốt nhất, đem đến sự kích thích, giúp các em có động lực để phát triển các kĩ năng. Bên cạnh đó, dựa trên đặc điểm khả năng của từng trẻ để xây dựng phương pháp học tập phù hợp. Cụ thể, ở đây các cô sẽ xây dựng kế hoạch và đặt ra mục tiêu cho từng tuần. Thông qua các trò chơi, các con sẽ được học từ vận động tinh (những kỹ năng mà sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay giúp trẻ thực hiện được nhiều động tác khó); vận động thô (những kỹ năng đòi hỏi chuyển động toàn thân, liên quan đến các cơ lớn của cơ thể như tay, chân, lưng, thân mình như trườn, bò…); ngôn ngữ giao tiếp; kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội... Cuối mỗi buổi học, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập, sinh hoạt của con trong ngày và hướng dẫn gia đình cách rèn luyện cho các con ở nhà để quá trình can thiệp không bị gián đoạn.
Và thành quả là sau một thời gian học tập cùng giáo viên, các bé đã có những tiến bộ rõ rệt. Những trẻ có biểu hiện tăng động, giảm chú ý đã bớt tăng động hơn, chú ý tập trung nhiều hơn, biết thể hiện nhu cầu cá nhân nhiều, biết nghe và thực hiện theo các yêu cầu của người khác. Đối với nhóm trẻ tự kỷ, từ một trẻ chưa biết kiểm soát các hành vi, chưa có ngôn ngữ, không tập trung chú ý, sau một thời gian can thiệp, trị liệu tâm lý, trẻ đã giảm hẳn hành vi, khả năng tập trung chú ý được cải thiện, trẻ đã nói được và thể hiện được nhu cầu, nguyện vọng của bản thân, trẻ biết cầm bút viết và ngồi học cùng các bạn... mang lại niềm vui, hy vọng cho gia đình và là động lực to lớn để các cô giáo tiếp tục trau dồi, hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng, tiếp tục đồng hành cùng các con trong hành trình phía trước.
Học sinh tích cực tương tác với giáo viên trong giờ học can thiệp
Chị VTN, mẹ của bé LNT 32 tháng tuổi chia sẻ: Từ khi sinh ra con phát triển bình thường, đến tầm 13, 14 tháng tuổi, gia đình bắt đầu nhận thấy có biểu hiện lạ như gọi mà bé không có phản xạ. Thấy vậy, hai vợ chồng đã cho con lên Viện Nhi Trung ương khám nhưng bác sĩ cũng không đưa ra kết luận cụ thể mà chỉ bảo về nhà tích cực tương tác với con và theo dõi thêm. Đến khi con được 28 tháng tuổi, biểu hiện càng rõ ràng hơn, con không nhanh nhẹn, hoạt bát như các bạn cùng lứa. Qua tìm hiểu, gia đình đã đưa con Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Hoa Hướng Dương, qua các bài test lỹ lưỡng, các chuyên gia và giáo viên cho biết con đang có nhiều dấu hiệu của trẻ rối loạn phổ tự kỷ và đưa ra kế hoạch can thiệp cụ thể. Sau hai tháng can thiệp, con đã có chuyển biết rõ rệt, đến nay, sau 6 tháng con đã nói được một câu dài như, có thể trả lời được câu hỏi của bố mẹ, biết tự xúc ăn và tự phục vụ bản thân. Gia đình tôi rất vui mừng vì đã tìm được địa chỉ tin cậy để can thiệp, trị liệu giúp con có cơ hội phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa.
Cần sự đồng hành của gia đình và cộng đồng
Bà Nguyễn Thị Thơ, Giám đốc trung tâm chia sẻ: Giống như tất cả mọi người, những trẻ mắc hội chứng RNTT, tự kỷ cũng có một quãng đường đời phía trước để lớn lên và phát triển những khả năng của mình. Yêu thương, che chở, dành những điều kiện tốt nhất để điều trị, phục hồi chức năng giúp các con từng bước cải thiện tình trạng, phát triển ổn định và hòa nhập cộng đồng chính là mục tiêu mà trung tâm luôn hướng đến.
Đơn vị đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khảo sát, đánh gía, trị liệu, can thiệp; đồng thời quan tâm đến chất lượng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện đơn vị có 80 cán bộ, giáo viên được đào tạo các chuyên ngành: Chuyên biệt giáo dục đặc biệt, tâm lý, công tác xã hội, giáo viên mầm non, tiểu học… thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trị liệu cho trẻ.  
Mỗi trẻ khi đến đây sẽ được đánh giá mức độ phát triển so với tuổi thực và khả năng của trẻ. Sau khi xác định được các lĩnh vực chậm phát triển của trẻ, cán bộ, giáo viên và chuyên gia xây dựng kế hoạch và mục tiêu can thiệp phù hợp với từng trường hợp. Hoạt động trị liệu được thực hiện thông qua quá trình chơi mà học, các em được áp dụng các phương pháp mát xa, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động… Định kỳ 3 tháng, trung tâm sẽ kiểm tra, đánh giá để có hướng can thiệp tiếp theo. Bên cạnh đó, cán bộ trị liệu của trung tâm còn tư vấn, hướng dẫn cho gia đình trẻ các kiến thức, kỹ năng, cách thức trị liệu và hỗ trợ cải thiện môi trường nơi trẻ sinh sống, học tập. Hầu hết trẻ được can thiệp đều có những tiến triển nhất định và dần trở về với tuổi thực của mình. “70% trẻ sau thời gian can thiệp sẽ hoà nhập sớm (học mầm non) và đi học hoà nhập ở trường tiểu học. Đối với những trường hợp chuyển biến chậm hơn, không có khả năng đi học hoà nhập, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mục tiêu can thiệp phù hợp đồng thời tư vấn, định hướng gia đình có thể lựa chọn cho con học một nghề đơn giản, phù hợp với bản thân để phục vụ cho cuộc sống sau này...” – Bà Thơ cho biết.
Trung tâm luôn dành điều kiện tốt nhất để điều trị, phục hồi chức năng giúp các con từng bước cải thiện tình trạng,
phát triển ổn định và hòa nhập cộng đồng
Cùng với hoạt động trị liệu trực tiếp, đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức hoạt động sàng lọc, tư vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ tại cộng đồng, nhất là ở các địa phương vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các địa phương, cơ quan, các trường học tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức về RNTT cũng như giới thiệu về hoạt động can thiệp của đơn vị, để người dân nhận biết RNTT, tự kỷ ở trẻ em để tới kiểm tra đánh giá khi có các biểu hiện nghi ngờ nhằm dự phòng và can thiệp sớm.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình can thiệp, trị liệu cho trẻ, bà Nguyễn Thị Thơ cho biết: Dạy trẻ RNTT, tự kỷ là một hành trình đầy khó khăn. Các triệu chứng rối loạn của trẻ tự kỷ thường rất phức tạp, muôn hình muôn vẻ nên muốn các cháu hòa nhập cộng đồng thì cần có môi trường chuyên biệt và ở đó ngoài sự trợ giúp của các chuyên gia thì luôn cần sự cố gắng nỗ lực của các bậc phụ huynh mà đặc biệt là cần cái nhìn đúng đắn, cảm thông, chia sẻ của cộng đồng. Các chuyên gia, giáo viên là người được trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp còn cha mẹ là người hiểu con, kết nối và giao tiếp với con dễ dàng hơn bất cứ ai. Vì vậy, các phụ huynh cần sắp xếp lại cuộc sống, công việc để dành nhiều thời gian đồng hành cùng con; cần tích cực tham gia các lớp tập huấn, các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề về hội chứng tự kỷ ở trẻ để có thêm tài liệu, kiến thức, kỹ năng có thể can thiệp tại nhà cho con.
Đặc biệt, việc phát hiện và can thiệp sớm trong 3 năm đầu đời được xem là thời điểm “vàng” đối với quá trình chăm sóc, can thiệp cho trẻ RNTT, tự kỷ. Trong giai đoạn này, do bộ não có tính linh hoạt, nơron thần kinh liên kết lỏng, đây là thời điểm hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên dễ kết nối, nếu được can thiệp trong giai đoạn hệ thần kinh sửa chữa, kết quả can thiệp sẽ đạt hiệu quả cao. Vì vậy, khi gia đình thấy con có những dấu hiệu bất thường, cần đưa con đi khám và can thiệp sớm để con tận dụng được thời điểm quý giá này.
Với sự nỗ lực của các cán bộ, giáo viên Trung tâm, sự đồng hành, phối hợp của gia đình, sự cảm thông, chia sẻ của cả cộng đồng xã hội, tin tưởng rằng, trẻ RNTT, tự kỷ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ được hỗ trợ và chăm sóc toàn diện, sớm hòa nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn phía trước./.
Hiền Minh
Từ khóa: