Nơi thắp sáng ước mơ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Bắc Giang
(LĐXH) - Nằm trong con phố nhỏ của thành phố Bắc Giang, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp Bắc Giang được biết đến như mái ấm của các trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nơi đây luôn ngập tràn tình yêu thương của những người “mẹ” không quản vất vả ngày đêm để đem đến cho các “con” những phút giây hạnh phúc, bù đắp phần nào những thiệt thòi, góp phần chắp cánh cho ước của con bay cao, bay xa.
Mái nhà chung ấm áp nghĩa tình
Trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp (Trụ sở chính: Số 185, đường Giáp Hải, Phường Dĩnh Kế, Thành phố Bắc Giang; Cơ sở 2: Xã Tân Dĩnh, Huyện Lạng Giang) có chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khẩn cấp... Hiện đơn vị đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 90 trẻ em khuyết tật, mồ côi (nhiễm HIV).
Đến thăm Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp Bắc Giang vào một buổi sáng mùa hè, những tia nắng sớm lấp lánh xuyên qua từng tán lá chiếu xuống nơi các em nhỏ đang vui đùa ở góc sân, rồi hình ảnh cậu bé chừng 13-14 tuổi đang cắt tóc cho một cụ già mang lại cho chúng tôi cảm giác bình yên đến lạ. Giám đốc Đỗ Văn Vinh đưa chúng tôi đi một vòng xung quanh Cơ sở và chia sẻ: Mỗi cháu bé là một hoàn cảnh nhưng đều rất đáng thương. Có cháu bị bỏ lại khi còn đỏ hỏn, có cháu mồ côi bị nhiễm HIV, còn cháu thì bại não chỉ nằm yên một chỗ… Những năm qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên của đơn vị luôn dành hết tình yêu thương, coi các cháu như con em trong gia đình để bù đắp những thiệt thòi mà các con phải gánh chịu, nuôi nấng, dạy bảo các con thành người có ích cho xã hội.
Tại đây, những trẻ phát triển bình thường, hàng ngày được đến trường học với bạn bè cùng trang lứa. Cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường để theo dõi tình hình học tập của các con; nhất là chú ý đến số trẻ cá biệt, học yếu, số trẻ mới tiếp nhận để có những biện pháp giáo dục kịp thời. Bên cạnh đó, phân công cán bộ, nhân viên đưa đón các trẻ học mẫu giáo, học tiểu học đi học, đảm bảo an toàn cho các con; cử cán bộ kèm học cho trẻ theo từng khối lớp để nhắc nhở, đôn đốc việc học của các con... Riêng những trẻ nhiễm HIV, các con được hướng dẫn mang theo bông băng, găng tay để tự bảo vệ mình và các bạn, nếu con nào bị xây xước cần lập tức dán ngay bông băng và đi găng tay, tránh bệnh có cơ hội lây nhiễm ra các bạn khác. Các trường hợp khuyết tật nặng được chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt. Còn đối với những trẻ khuyết tật câm điếc (được nuôi dưỡng đến hết 16 tuổi tại cơ sở 2), các em được học văn hóa (chương trình chuyên biệt) dành cho từng độ tuổi tương đương đến hết lớp 5 và được học năng sống như: Trồng rau, nuôi gà… Hàng năm, đơn vị tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả học tập, biểu dương, khen thưởng các con có thành tích cao trong học tập. Sự quan tâm, sát sao và tình yêu thương của những người mẹ thứ 2 ở đây đã giúp các con quên đi mặc cảm, khó khăn, phấn đấu học tập chăm ngoan.
Cơ sở cũng rất quan tâm đến đời sống của các em, luôn đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng để các con phát triển khỏe mạnh. Thường xuyên cải thiện món ăn, ăn chín uống sôi, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hàng tuần, đơn vị đều mời cán bộ y tế đến kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho các em, nhất là những bé bị suy dinh dưỡng, các bé dưới 5 tuổi để kịp thời phát hiện các chứng bệnh và có hướng điều trị phù hợp; tổ chức khám bệnh định kỳ, phục hồi chức năng cho trẻ tàn tật... Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi, giải trí, trải nghiệm, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và kỹ năng sống.
Những năm qua, Cơ sở cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh; các tổ chức, cá nhân; các nhà hảo tâm; quỹ từ thiện trong và ngoài nước. Những ngày lễ, tết, lãnh đạo tỉnh, thành phố đều đến tặng quà và động viên các cháu; đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng thường xuyên tổ chức dạy từ thiện, giao lưu, chơi trò chơi, tặng quà cho các em, động viên các em vươn lên trong cuộc sống.
Em Nguyễn Thị Chung, 14 tuổi hiện đang học lớp 10 cho biết: Ở đây cháu luôn được các cô, các bác, các mẹ chăm sóc chu đáo, thường xuyên nhắc nhở, bảo ban mọi việc trong sinh hoạt và học hành. Hàng ngày, sau giờ học ở trường, cháu sẽ lau dọn phòng ở, sân vườn, phụ các cô, chú nấu cơm, rửa bát, giúp các mẹ chăm sóc các em. Cháu sẽ tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện tốt để không phụ công sức của các cô, các bác và phấn đấu thực hiện ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội.
Những tấm lòng thầm lặng
Chúng tôi dừng lại ở khu nhà cấp bốn, nhìn ra một khoảng sân rộng, thoáng đáng, sạch sẽ - đây chính là nơi ở, sinh hoạt của các cháu được phân theo độ tuổi, giới tính khác nhau. Phòng của các anh chị lớn được kê bàn học ngăn nắp, gọn gàng, phòng các em bé có đồ chơi như: Gấu bông, ô tô... Đang là kỳ nghỉ hè, nên các anh chị lớn được nghỉ học ở nhà. Một số anh chị đang dọn dẹp phòng ở, một số đang chơi ngoài sân với các em nhỏ hoặc phụ giúp các mẹ chuẩn bị bữa trưa. Ở cuối dãy là phòng học tập của các em nhỏ, ngân vang tiếng ê a đánh vần từng con chữ nghe thật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ghé thăm phòng chăm sóc trẻ khuyết tật nặng, là hình ảnh các cô bảo mẫu đang bế ẵm, lau mồ hôi, thay quần áo cho 3,4 em bé đang nằm bất động trên giường. Tận mắt chứng kiến các cô bảo mẫu chăm sóc trẻ, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của các cô dành cho những đứa trẻ bất hạnh.
Chị Hoàng Thị Bình, người đã có 24 năm làm công việc chăm sóc trẻ cho biết, mỗi ngày của các chị bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 11giờ đêm để chăm lo từng bữa cơm, tắm giặt, vệ sinh cá nhân và giáo dục cho gần 30 đứa trẻ ở đây. Chưa kể những khi có bé bị ốm phải thức cả đêm để chăm sóc hay phải đưa vào bệnh viện. Đây là một công việc đầy nhọc nhằn, nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và ấm áp. Tôi thấy thương các con vô cùng, bởi các con có hoàn cảnh quá bất hạnh. Dù chúng tôi có chăm sóc, yêu thương các con bao nhiêu cũng không thể bù đắp những nỗi đau mà chúng đang và sẽ phải trải qua. Chúng tôi thường động viên nhau cố gắng thêm một chút để bù đắp thiệt thòi cho những mảnh đời kia.
Ngồi trò chuyện với chị Bình, chốc chốc lại có bé chạy đến bên, sà vào lòng chị. Các bé đều gọi chị bằng tiếng “Mẹ” thân thương. Những đứa con chị đang chăm sóc, đứa nhỏ mới 4 tuổi, đứa lớn vừa đỗ vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn. Nhớ ngày đầu vào cơ sở, các con đều mới chỉ 1-2 tuổi, thậm chí còn đỏ hỏn. Mỗi ngày, mẹ Bình và các mẹ khác tất tả lo bỉm sửa, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Vậy mà thấm thoắt đã hơn 20 năm trôi qua, hàng trăm đứa trẻ được nuôi dưỡng và trưởng thành từ mái ấm này. Cho dù có đi nơi đâu các con vẫn luôn hướng về mái nhà chung - nơi đã trao tình yêu thương ấm áp, nuôi dưỡng các con nên người. “Chứng kiến nhiều thế hệ trẻ em ở đây khôn lớn và trưởng thành, chúng tôi rất hạnh phúc. Đó chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để trở thành “người mẹ thứ hai” và là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp các em vững tin trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng”- Chị Bình xúc động chia sẻ.
Phải trực tiếp nhìn thấy cuộc sống thực tế của các em, sự nỗ lực không ngừng của các cán bộ, nhân viên, điều dưỡng viên nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em hàng ngày ở đây, mọi người mới có thể hiểu được những vất vả, hy sinh thầm lặng của cán bộ, nhân viên nơi đây. Chia sẻ thêm về những khó khăn của đơn vị, ông Đỗ Văn Vinh cho biết: Cơ sở được xây dựng đã lâu nhiều hạng mục xuống cấp nên chưa đáp ứng được tốt nhất việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng nên rất mong được sự quan tâm, đầu tư của cấp trung ương và địa phương, giúp đơn vị ngày một hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng chăm sóc cho đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Bên cạnh đó là vướng mắc khi làm căn cước công dân cho một số em vì lý do không xác định được nhân thân và vấn đề trẻ em bị bỏ rơi khi hết thời gian được nuôi dưỡng tại Cơ sở không thể trả về địa phương do không xác định được nguồn nuôi dưỡng… Vì vậy, đơn vị kiến nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ, giải quyết cho các em có giấy tờ tùy thân để đi học nghề, tìm kiếm việc làm tự nuôi sống bản thân và có giải pháp đối với những trường hợp hết thời gian nuôi dưỡng tại Cơ sở mà không thể gửi về địa phương do không xác định được nguồn nuôi dưỡng.
Hiện, tỉnh Bắc Giang có trên 479 nghìn trẻ em, trong đó có trên 4 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 40 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn dưới 3,5% trên tổng số trẻ em; 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp… Mong rằng trong thời gian tới, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị trên địa bàn để tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn nữa, trở thành điểm tựa vững chắc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh./.
Minh Hiền
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55