Xã hội
Phật giáo Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động Phật sự trong bối cảnh đại dịch Covid 19
10:38 AM 27/10/2021
(LĐXH) Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid 19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động Phật sự, song Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đem lại niềm tin mạnh mẽ của các tăng ni, phật tử đối với Phật giáo.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, làm ngưng trệ các hoạt động của xã hội, sản xuất kinh doanh, văn hóa xã hội, thể thao, giáo dục, lễ nghi tôn giáo, hoạt động quốc tế…, mọi hoạt động tập trung đông người đều tạm dừng vì cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cũng bị ảnh hưởng lớn, nhiều chương trình, kế hoạch Phật sự của các Ban, Viện TƯ, Ban Trị sự (BTS)  các tỉnh, thành phố đã phải tạm dừng, tạm hoãn. Mặc dù vậy, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS), Ban Thường trực, Ban Thư ký HĐTS và 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội đã làm tốt công tác nắm bắt tình hình thực tế, năng động, sáng tạo, tham mưu, đề xuất các quyết định, chỉ đạo thực hiện các hoạt động Phật sự phù hợp tình hình chung một cách nhanh chóng, chính xác, mang lại hiệu quả cao.
Để các hoạt động Phật sự của Giáo hội được triển khai đồng bộ, có kết quả, nhất là công tác tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (1981 – 2021), ngày 15/4/2021, tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, Văn phòng Trung ương Giáo hội đã diễn ra Hội nghị sinh hoạt Giáo hội với sự tham dự của chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phía Bắc. Ngày 27/4/2021 tại Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự – Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Sinh hoạt Giáo hội, và ngày 28/4/2021 Hội nghị Công tác tổ chức Giới đàn dành cho các tỉnh thành phía Nam đã được tiến hành, sau thời gian tạm hoãn do tình hình dịch bệnh.  
Theo báo cáo của Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành Giáo hội hiện có: 18.544 cơ sở, gồm 15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa; cả nước có khoảng gần 54.200 Tăng Ni. Tín đồ Phật tử chiếm khoảng 60%  dân số cả nước. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo về an toàn sức khỏe của tăng ni, thực hiện thông báo phòng chống dịch, mùa an cư năm nay, phần lớn các tỉnh, thành đều tổ chức cho tăng ni an cư tại chỗ (tâm niệm an cư). Một số đơn vị đã tổ chức khai khóa an cư kết hạ tập trung cho Tăng Ni.
Nhà chùa tặng rau, trái cây cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch Covid 19
Các pháp hội diễn ra tập trung vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu khai đàn Dược sư cầu an, kỷ niệm ngày Đức Phật xuất gia, Đức Phật thành đạo, và ngày khánh đản Đức Bồ tát Quan Âm… Đặc biệt Hệ phái Nam tông Kinh đã tổ chức thành công pháp hội trùng tụng Tam tạng Pali-Việt lần II tại Đồng Nai.
Các Đạo tràng Phật tử, Câu lạc bộ Phật tử sinh hoạt đều đặn. Phân ban Gia đình Phật tử tổ chức thành công trại huấn luyện Huynh trưởng cấp II Huyền Trang lần thứ 3 tại Kon Tum. Các hoạt động Hoằng pháp kết hợp với các hoạt động từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hiến máu nhân đạo tiếp tục được tiến hành bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch…
Hầu hết Tăng Ni, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và công văn chỉ đạo của HĐTS về việc tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, các sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Do vậy, công tác Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử trong thời gian vừa qua đã chuyển hình thức sinh hoạt từ các pháp hội, khóa tu, trại hè tập trung đông người sang hình thức thuyết giảng, tụng kinh, chia sẻ Phật pháp trực tuyến online qua các phương tiện truyền thông, hệ sinh thái số như Facebook, Youtube, Zalo, mạng xã hội Phật giáo Butta, trang Phật sự Online, Giác Ngộ Online…  Nhiều bài giảng của Chư tôn đức Ban Hoằng pháp, nhiều buổi tụng kinh, thuyết pháp online thu hút hàng trăm ngàn lượt người theo dõi và tham dự trên không gian mạng. Ứng dụng tụng kinh Cầu an online được thực hiện thường xuyên và định kỳ trên mạng xã hội Phật giáo Butta đã đáp ứng nhu cầu đông đảo giới trẻ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động.
Có thể khẳng định, đây cũng là xu thế phát triển trong thời gian tới mà trong chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII tại điểm thứ 8 đã định hướng. Thực tế đã chỉ ra, đại dịch Covid-19 làm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và các ứng dụng số trong xã hội. Phật giáo Việt Nam đã ứng dụng rất nhanh, kịp thời lĩnh vực này vào công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử. Nhiều buổi tụng kinh, thuyết pháp online thu hút hàng chục ngàn người theo dõi và tham dự trên không gian mạng, sự lan tỏa rộng rãi không biên giới. Nhất là trong dịp Đại lễ Phật đản PL.2565 vừa qua cho thấy hiệu quả của công tác hoằng pháp trực tuyến, các lớp giáo lý online.
Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa bàn giao giếng khoan tặng 
một trường tiểu học tại huyện Mường Lát
Đại lễ Phật đản năm nay mặc dù trong điều kiện chống dịch Covid-19, song vẫn được tổ chức trang nghiêm ở hầu hết các chùa, cơ sở tự viện. Tuy không tổ chức rước xe hoa, không lễ đài tập trung đông người, song không khí Phật đản, cờ Phật giáo, băng zôn Kính mừng Phật đản cũng được trưng bày khắp nơi, nhà nhà tắm Phật, chùa chùa tắm Phật tạo nên một không khí Phật đản vô cùng đặc biệt. Các Ban Trị sự thực hiện tốt Thông tư hướng dẫn của Hội đồng Trị sự, đồng loạt cử hành nghi lễ Kính mừng Phật đản, cầu quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ từ 6h sáng ngày 8/4 âl đến 6h sáng ngày 15/4 âm lịch. Đại lễ Phật đản do Trung ương Giáo hội tổ chức vào sáng ngày Rằm tháng 4 Tân Sửu được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình An Viên và phát trực tuyến qua các ứng dụng Facebook, Youtube, Zalo, Butta, Phật sự Online…
Để phòng, chống dịch Covid-19, sau khi Thủ tướng có công điện về việc tạm dừng các lễ hội tôn giáo, các sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người, các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng về thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có văn bản chỉ đạo các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, Tăng Ni thực hiện nghiêm các quy định chống dịch. Qua đó, trong mùa an cư kết hạ năm nay, tất cả Tăng Ni cấm túc tại chùa để tụng kinh cầu an, hồi hướng công đức sớm chấm dứt dịch bệnh...
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật; các cơ sở Tuệ Tĩnh đường, các trung tâm khám chữa bệnh đông y và bệnh viện tây y hoạt động gặp nhiều khó khăn. Song vẫn tích cực duy trì khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện nghiêm các quy định về y tế trong phòng, chống dịch bệnh. .
Nổi bật nhất là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN kêu gọi ủng hộ nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trung ương Giáo hội, tăng ni, Phật tử các chùa đã ủng hộ trang thiết bị y tế, ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân, những người bị nghi lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung, các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng tình nguyện nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Nhất là việc ủng hộ tiền, trang thiết bị y tế, máy tạo oxy cho nhân dân Ấn Độ trong việc phòng chống dịch bệnh.   
 Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện còn vận động quyên góp, ủng hộ cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn một cách thường xuyên, liên tục, kịp thời như tặng nhu yếu phẩm, nước ngọt, các bình chứa nước loại lớn, các cây nước, giếng nước, máy lọc nước...
Nhiều chùa, tăng ni đã tổ chức phát gạo, mỳ, nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các cây ATM gạo, ATM nước nghĩa tình, các Siêu thị Hạnh phúc – 0 đồng… đã góp phần giúp cho người nghèo vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, công tác cứu trợ nhân đạo, từ thiện chăm lo phát quà Tết cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên đồng bào các dân tộc vùng cao miền núi, cứu giúp đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi nạn hạn hán, xâm nhập mặn của các tăng ni, Phật tử bằng hiện vật và tiền trị giá ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Như vậy, trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn chung của toàn xã hội trước dịch bệnh Covid-19, song với tinh thần đoàn kết, hòa hợp, với tinh thần: Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển, sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, nhanh chóng, chính xác của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực HĐTS, của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, sự hưởng ứng của tất cả các Ban, Viện TƯ, các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố, của tăng ni, Phật tử Việt Nam trong cả nước và ở nước ngoài, GHPGVN đã đạt được những thành tựu Phật sự quan trọng, đem lại niềm tin mạnh mẽ của toàn xã hội đối với Phật giáo, một tôn giáo luôn đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử.
Thảo Lan
Từ khóa: