Xã hội
Phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai
02:30 PM 13/04/2020
(LĐXH) - Bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là công tác luôn được cấp ủy các cấp ở tỉnh Đồng Nai quan tâm thực hiện.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp khen thưởng các điển hình tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong đó, quan tâm các trường hợp trung kiên, người có uy tín trong cộng đồng, có năng lực trình độ giải quyết công việc sẽ tạo điều kiện là nguồn kết nạp đảng.

Coi trọng người có uy tín

Xã Bảo Quang, TP. Long Khánh là địa phương có hơn 35% đồng bào thuộc 9 DTTS sinh sống. Trong đó, có những ấp như Lác Chiếu gần 100% đồng bào dân tộc vào đầu nhiệm kỳ số đảng viên chỉ tính trên đầu ngón tay. Đến nay đã có 23 đảng viên dân tộc trong một ấp đều là những người có uy tín, phát huy được vai trò trong cộng đồng dân tộc.

Đồng chí Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang cho hay, bản thân chị cũng là người dân tộc nên đối với đồng bào DTTS phải gương mẫu, gần gũi, làm được nói được. “Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động sẽ phát hiện nhân tố tích cực để bồi dưỡng, kết nạp đảng. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các đồng chí trong cấp ủy ấp Lác Chiếu- họ thực sự là những người uy tín trong cộng đồng dân tộc”, đồng chí Thùy nhấn mạnh.

Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ấp Lác Chiếu Vi Kim Cường kể lại, những mô hình thi đua như “tiết kiệm nuôi heo đất san sẻ yêu thương”; “cộng đồng các DTTS tiếp sức học sinh đến trường”… do MTTQ xã phát động, những đảng viên là người dân tộc, có uy tín gương mẫu làm trước nên thu hút đồng bào hưởng ứng.

“Từ kết quả của các phong trào thi đua, nhiều người có uy tín phát huy được năng lực, khả năng vận động, thu hút đồng bào, được đồng bào tin tưởng, cấp ủy, chính quyền ghi nhận và bồi dưỡng kết nạp đảng…nên từ 9 đảng viên đầu nhiệm kỳ đã tăng 23 đảng viên hiện nay”, ông Vi Kim Cường nói.

Cũng theo ông Cường, trong số đó phải kể đến đảng viên, người có uy tín 57 tuổi đảng Điểu Lực- từng là Bí thư Chi bộ ấp Lác Chiếu, ông đã đóng góp rất lớn trong vận động xây dựng nông thôn mới nâng cao và góp phần phát hiện, bồi dưỡng kết nạp nhiều đảng viên người dân tộc…

Cũng là một địa phương có đông đảng viên là người dân tộc, xã Xuân Trường, H. Xuân Lộc đã phát huy vai trò gương mẫu của những người uy tín trong cộng đồng để lựa chọn nguồn phát triển đảng viên.

Đồng chí Mạc Thị Hồng Nhung (dân tộc Tày), Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho hay, Đảng bộ xã hiện có 14 đảng viên (3,98%) là người dân tộc. Năm 2019, cùng với toàn đảng bộ các đảng viên DTTS đã phát huy vai trò, uy tín trong cộng đồng, góp phần xây dựng Đảng bộ Xuân Trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Huyện ủy Xuân Lộc khen thưởng…

Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lý Nguyễn Thị Nga (dân tộc Chơ ro) khẳng định, việc coi trọng và phát huy vai trò người có uy tín đóng vai trò quan trọng. Họ chính là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

“Chi bộ ấp Lý Lịch I (Đảng bộ xã Phú Lý) có 100% đảng viên người dân tộc. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy nơi đây đã phát huy tốt vai trò người có uy tín trong cộng đồng thông qua các cuộc vận động, nhất là xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp mới được 12 đồng chí, nâng tổng số lên 42 đảng viên toàn chi bộ hiện nay”, đồng chí Nga nhấn mạnh.

Quan tâm đời sống mọi mặt

Đồng chí Lương Thị Bảo Thùy tuyên truyền chính sách xây dựng nông thôn mới cho đồng bào dân tộc xã Bảo Quang

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Tấn Phước cho hay, để phát triển đảng viên mới nói chung, nhất là đảng viên vùng DTTS, phải có nhiều chính sách nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào DTTS, nhất là chính sách đột phá phát triển các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng chiến khu.

“Sở dĩ Chi bộ ấp Lý Lịch I, Đảng bộ xã Phú Lý duy trì hoạt động tốt, phát triển được đảng viên là nhờ tập trung rất nhiều giải pháp thúc đẩy vùng căn cứ cách mạng phát triển. Từ một xã với hơn 40% hộ nghèo đầu năm 2010 đến nay đã vươn lên thoát nghèo chỉ còn 0,6% theo chuẩn mới, trở thành xã nông thôn mới nâng cao, có nhiều nét mới của huyện; không còn nghèo A trong đồng bào dân tộc tại xã”, ông Phước nhấn mạnh.

Không chỉ quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu, tỉnh còn quan tâm tìm nhiều mô hình, giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo. Trong đó, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo xã Gia Canh, H. Định Quán và 2 đề án hỗ trợ 48 hộ đồng bào dân tộc Chơ ro xã Phú Lý, H. Vĩnh Cửu và đồng bào Châu mạ, S’ Tiêng xã Tà Lài, H. Tân Phú nuôi dê vượt nghèo đang cho hiệu quả.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho rằng, quá trình thực hiện những mô hình này đều có sự phối hợp giữa các tổ chức với cấp ủy, chính quyền địa phương và người có uy tín trong đồng bào và kiểm tra chặt chẽ, giúp đồng bào không mất vốn. “Cuộc sống có ổn định mới thu hút sự quan tâm của đồng bào dân tộc vào các hoạt động xã hội nói chung, phấn đấu trở thành đảng viên nói riêng”, ông Trung bày tỏ.

Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho hay, từ năm 2016 đến nay, đã có gần 2,5 ngàn hộ đồng bào DTTS được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn tự tạo việc làm, đầu tư vào sản xuất với số tiền hơn 85 tỷ đồng. Nhiều hộ vừa hoàn trả được vốn, vừa tạo ra của cải và quan tâm công tác xã hội của địa phương như tham gia các tổ chức chính trị xã hội từ ấp trở lên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các đảng viên các dân tộc tại Đại hội DTTS tỉnh năm 2019

Cũng nhờ việc quan tâm chăm lo tốt cuộc sống người dân nên trong tổng số gần 40 ngàn hộ DTTS của tỉnh, số hộ nghèo diện DTTS hiện giảm chỉ còn khoảng 800 hộ, tương đương giảm hơn 2/3 so đầu năm 2016…

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, một vấn đề được quan tâm và là giải pháp thúc đẩy phát triển đảng trong đồng bào DTTS chính là nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giúp họ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Với một địa phương có gần 1/3 dân số là đồng bào DTTS, H. Định Quán quan tâm làm tốt công tác này. Trưởng phòng Dân tộc huyện Phạm Hoàn cho hay, trong nhiệm kỳ 2015-2020, với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, đã có 4 nhà văn hóa dân tộc được xây dựng; 100% xã, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao- học tập cộng đồng…giúp đồng bào các DTTS có điều kiện sinh hoạt văn hóa, lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa.

“Các lễ hội của đồng bào dân tộc như: Sayangva (dân tộc Chơro); Yangbơnom, Yangcoi (đồng bào Châumạ), lễ hội Tài phán (đồng bào Hoa), lễ hội Lồng tồng của người Tày- Nùng… được những người uy tín, đảng viên và cấp ủy, chính quyền tổ chức, giúp đồng bào lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống nên là điều kiện để bồi dưỡng nhân tố cho phát triển đảng”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Đồng chí Não Thiên Ngân Hà, đảng viên dân tộc Chăm, chuyên viên Sở Nội vụ cho biết, tôi rất tâm đắc tác phẩm:  “Thép đã tôi thế đấy”, một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky. Trong đó, nhân vật Pavel với câu nói nổi tiếng "…Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.

“Dù tôi không thuộc thanh niên thế hệ Pavel nhưng chính điều này đã giúp tôi dù ở bất cứ nhiệm vụ công tác nào phải hoàn thành và hoàn thành tốt nhất với khả năng của mình...”, chị Ngân Hà nhấn mạnh.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, trong năm 2019, toàn tỉnh kết nạp mới được 115 đảng viên là người DTTS (đạt 2,85% so tổng số đảng viên được kết nạp mới trong năm); nâng tổng số đảng viên là người DTTS trong toàn Đảng bộ tỉnh là 1.503/82.674 đồng chí.

Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc. Đã có trên 250 ngàn thẻ BHYT được cấp phát cho đồng bào DTTS với số tiền hơn 92 tỷ đồng. Hằng tháng, tỉnh đều hỗ trợ kinh phí bằng 50% mức lương cơ bản cho 232 người uy tín trong đồng bào các DTTS; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia vào cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ ấp trở lên hiện đạt gần 27,5%...

Nguyệt Hà

Từ khóa: