Phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội
(LĐXH) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc về bảo hiểm xã hội đã ký ngày 14/12/2021 tại Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại, công bố và lưu chiểu Hiệp định theo quy định của pháp luật.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan ký kết Thỏa thuận hành chính theo quy định tại Điều 13 của Hiệp định và tổ chức triển khai Hiệp định sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, vào ngày 14/12/2021, tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này, và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác. Văn kiện được ký kết trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động-việc làm. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và đều có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của cả hai nước; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ cũng được bảo vệ bởi luật pháp của hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo đánh giá, phần lớn các quốc gia có quy định người lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó quan trọng nhất là bảo hiểm hưu trí. Trong bối cảnh trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới ngày càng phát triển, dòng lưu chuyển người lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng. Người lao động khi đến một quốc gia khác làm việc, về nguyên tắc sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở quốc gia đó. Khi về hưu thì người lao động được quyền hưởng lương hưu, trên cơ sở các khoản bảo hiểm xã hội mà họ đã đóng trước đó ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Trong trường hợp giữa các quốc gia không có Hiệp định song phương hay đa phương về bảo hiểm xã hội, thì việc hưởng lương hưu khi người lao động về hưu sẽ rất khó khăn. Có trường hợp không thực hiện được do không có sự liên thông, kết nối hay công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống bảo hiểm. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động, Chính phủ nhiều nước đã cố gắng thúc đẩy để ký kết Hiệp định về bảo hiểm xã hội với quốc gia nơi có nhiều công dân nước mình đến làm việc.
Trong những năm qua, số người lao động là công dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chiếm tỷ lệ lớn trong số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, số người lao động Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc cũng có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, việc ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một nhu cầu cấp thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển người lao động cũng như để bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động của hai nước.
Theo đó, Hiệp định này hướng tới việc tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần với công dân Việt Nam và Hàn Quốc khi làm việc tại nước bạn. Cụ thể: Người lao động là công dân Việt Nam và Hàn Quốc chỉ có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội tại một nước; thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau; thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc- là căn cứ để quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét để người lao động được hưởng chế độ lương hưu; mức hưởng chế độ mà quỹ bảo hiểm xã hội của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian và mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó; công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi nước.
Hiệp định được hai bên thống nhất gồm 5 phần với 24 điều khoản quy định về phạm vi áp dụng, quy định liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc; quy định nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa công dân Việt Nam và Hàn Quốc làm việc trên lãnh thổ nước kia như đối với công dân nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là quy định cách tính thời gian làm căn cứ để xác định chế độ hưu trí đối với người lao động là tính tổng thời gian mà người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở cả hai nước (cộng dồn) và cách tính các chế độ bảo hiểm xã hội là căn cứ theo luật pháp của mỗi nước.
Đức Dương
Từ khóa:
Hiệp định về bảo hiểm xã hội
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25
-
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
12-11-2024 17:27 08
-
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
12-11-2024 14:29 01