Xã hội
Phú Thọ đảm bảo mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh
10:19 AM 20/05/2024
(LĐXH)- Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm tạo điều kiện để đảm bảo mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực, không xâm hại và được thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 415.725 trẻ em, trong đó có 4.426 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. 3.642/4.426 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức đạt 100%.
Ông Hoàng Xuân Đoài, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ cho biết: Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm tạo điều kiện để đảm bảo mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực, không xâm hại và được thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Tỉnh luôn chú trọng tới nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật nhằm tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chú trọng, tập trung tổ chức chiến dịch truyền thông, tổ chức các hoạt động nhân các dịp: Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu và Ngày trẻ em Phú Thọ; tổ chức các hoạt động các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em...
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) trao hỗ trợ trẻ em mồ côi
Đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em khuyết tật đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ. Đến nay, tất cả số trẻ em này đều hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ về y tế và tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng như hưởng các phúc lợi xã hội khác; 100% trẻ em mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em khuyết tật được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng.
Cụ thể, toàn tỉnh có hơn 3.000 trẻ em khuyết tật được nhận trợ giúp của Nhà nước, đạt 100%, bao gồm: 2.677 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng và trẻ em khuyết tật nặng đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội với mức trợ cấp từ 720.000 đồng/tháng đến 900.000 đồng/tháng/trẻ em; hơn 3.000 trẻ em được trợ giúp y tế; 1.674 trẻ em được trợ giúp giáo dục và giáo dục nghề nghiệp; 498 trẻ em được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn và 472 trẻ em được nhận hỗ trợ bằng các hình thức khác...
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hộI, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh đã tặng 5.786 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, với tổng số tiền trên 2,38 tỷ đồng.
Tiếp đến, các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thông tin cho trẻ em cũng được các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm bằng nhiều hình thức thiết thực và phù hợp. Hệ thống các câu lạc bộ văn hoá - nghệ thuật, câu lạc bộ thể dục thể thao đã thu hút hàng chục nghìn trẻ em tham gia sinh hoạt thường xuyên, đặc biệt trong các dịp hè để rèn luyện năng khiếu và thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí.
Đến thời điểm này, tỉnh Phú Thọ có 13/13 Trung tâm văn hóa kiêm hội trường cấp huyện; 225/225 nhà văn hóa kiêm hội trường, kiêm Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; 2.328/2.328 khu dân cư có nhà văn hóa; 829 nhà văn hóa khu dân cư kết hợp bố trí điểm vui chơi cho trẻ em, đầu tư cơ bản trang thiết bị vui chơi cho trẻ em như: cầu trượt, xích đu, bập bênh, đu quay…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa công tác này và phát triển các dịch vụ tư vấn, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, tiếp tục tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để tất cả trẻ em được bảo vệ và chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực...

Chí Tâm