Xã hội
Phú Thọ: Tập trung thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
01:42 PM 12/01/2022
(LĐXH) - Chăm sóc, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 67.150 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội tại cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp thường xuyên với tổng kinh phí trên 419 tỷ đồng.
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội; Ủy ban nhân dân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị căn cứ Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND triển khai thực hiện theo quy định góp phần nâng cao đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tặng quà cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Sở Lao động – TBXH đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đối với các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý. Kết quả, toàn tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà các đối tượng xã hội 22.960 suất quà với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Triển khai thực hiện chương trình chúc thọ, mừng thọ đối với 20.537 người cao tuổi, đảm bảo ý nghĩa, trang trọng, thiết thực và tính nhân văn sâu sắc. Sở chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2021; Tổng hợp người cao tuổi đủ điều kiện được chúc thọ, mừng thọ năm 2022 từ các huyện, thành, thị. Theo đó, toàn tỉnh Phú Thọ có 27.672 người cao tuổi, trong đó: 2.641 người cao tuổi 90 tuổi, 451 người cao tuổi 100 tuổi và 24.670 người cao tuổi trong độ tuổi quy định đủ điều kiện chúc thọ, mừng thọ năm 2022 với tổng kinh phí dự toán trên 11 tỷ đồng.
Thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho 67.150 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 419 tỷ đồng. Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động: Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, Đề án nghề công tác xã hội, Chương trình hành động người cao tuổi, Đề án trợ giúp người khuyết tật, Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025…
Sở Lao động – TBXH chủ trì, phối hợp với sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tại Kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX (ngày 12/8/2021). Hướng dẫn huyện, thành, thị triển khai thực hiện: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Qua rà soát theo Nghị định 20/NĐ-CP tổng số đối tượng: 68.690 người; tổng kinh phí chi trả: 419,9 tỷ đồng (Đối tượng tăng: 3.095 người, kinh phí tăng khi thực hiện Nghị định 20/NĐ-CP là: 119,2 tỷ đồng). Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện phòng, chống Covid-19; xây dựng phương án, kịch bản chống dịch tại các cơ sở. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu, chính sách bảo trợ xã hội năm 2022 theo yêu cầu của Bộ Lao động - TBXH, UBND tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thời gian qua đã có một số thuận lợi như: hệ thống các văn bản quy định chính sách, chế độ đối với các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình khó khăn... đã được xây dựng một cách đầy đủ và rõ nét. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được các cấp, các ngành quan tâm, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả trong triển khai chính sách mà còn huy động được người dân trực tiếp tham gia hỗ trợ các đối tượng tại cộng đồng và tham gia tích cực vào việc giám sát thực thi chính sách tại cộng đồng. Trung ương tiếp tục đảm bảo các nguồn lực để thực hiện các chương trình, giải quyết các chế độ chính sách cho đối tượng đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng xã hội. Uỷ ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của tỉnh như: kinh phí chi chúc thọ mừng thọ người cao tuổi, kinh phí chi phụ cấp cho cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, kinh phí chi hoạt động các Ban chỉ đạo... 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Năm 2021 là năm đầu giai đoạn thực hiện các chính sách, đề án lớn, một số đơn vị cấp huyện chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương, cơ sở. Sự phối kết hợp hoạt động của ban chỉ đạo, các huyện, thành, thị trong thực hiện chương trình giảm nghèo, các chính sách xã hội chưa thường xuyên, chế độ thông tin, cập nhật báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ.
Thêm vào đó, thực hiện nhiệm vụ trong những tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona (Covid -19) diễn biến phức tạp chưa kiểm soát được hoàn toàn đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh và tâm lí người dân trong xã hội, đặc biệt là đối tượng yếu thế: người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…Do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, một số nhiệm vụ, kế hoạch thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội như công tác tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông tập trung đông người còn gặp khó khăn. Công tác dạy nghề cho người khuyết tật chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người khuyết tật; chưa có chính sách hỗ trợ đối với người người khuyết tật sau học nghề, nhất là vùng nông thôn. Tỷ lệ người khuyết tật còn khả năng lao động có việc làm và việc làm phù hợp thấp. Các công trình công cộng, các trang tin điện tử đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật còn ít. Việc đánh giá, xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật ở một số địa phương còn chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:  Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành, thị trong việc nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, nhất là dịp Tết Nguyên Đán, kỳ giáp hạt và khi có thiên tai, bão lũ xảy ra để kịp thời có phương án hỗ trợ nhân dân đảm bảo ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được trợ cấp, trợ giúp kịp thời. Triển khai thực hiện các đề án phát triển nghề công tác xã hội, đề án trợ giúp người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chương trình hành động về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện việc mở rộng và phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đảm bảo các tiêu chuẩn chăm sóc theo quy định./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: