Xã hội
Phú Thọ tuyên truyền khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân
06:14 AM 29/04/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, Phú Thọ đã tập trung tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhân dân nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào các dân tộc thiểu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện và 225 đơn vị hành chính cấp xã với dân số trên 1.508 nghìn người. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh là 7,97%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,7%; dịch vụ chiếm 40,1%; nông lâm nghiệp chiếm 20,2%. Nhiều năm qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Phú Thọ còn đặc biệt quan tâm tới công tác giảm nghèo, nhất là việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và đạt được nhiều kết quả ghi nhận.
Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đều đạt và cơ bản đạt; đời sống người dân được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ nét. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm với tỷ lệ khá.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ đạt nhiều kết quả quan trọng
Theo báo cáo từ Sở Lao động – TBXH Phú Thọ, trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025) giảm còn 5,19% (giảm 0,69%), hộ cận nghèo giảm còn 4,18% (giảm 0,49%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 1,38%; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70,7%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%; tỷ lệ dân cư đô thị dùng nước sạch đạt 93,5% và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,3%. Đến nay, toàn tỉnh có 163 xã đạt tiêu chí về nghèo đa chiều (chiếm 83,2%), có 154xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư (chiếm 78,6%), tăng 15 xã so với năm 2020...
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Đoài, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Phú Thọ, cho biết: Để đạt được những kết quả về công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phải xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trong đó, phấn đấu giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo phải được đặt làm mục tiêu hàng đầu, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh Phú Thọ là 12.637 triệu đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương là 2.000 triệu đồng (tỷ lệ đối ứng 10%); vốn sự nghiệp 31.771 triệu đồng. Trong đó, Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo 11.621 triệu đồng; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng 5.029 triệu đồng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững 9.162 triệu đồng; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin 917 triệu đồng; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình 5.042 triệu đồng.
Trong năm 2022, riêng đối với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh Phú Thọ đã triển khai xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, tỉnh đã tổ chức tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định; tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả. Tỉnh cũng đã hỗ trợ hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi).
Thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, trong năm 2022, tỉnh đã triển khai xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp (định mức kinh tế - kỹ thuật; giá tối đa dịch vụ giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước), hỗ trợ khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề. Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu tại Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh. Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động và hỗ trợ lao động kết nối việc làm thành công…
Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Phú Thọ Hoàng Xuân Đoài, cho biết thêm: Trong năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành; UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo tiến độ. Tỉnh đặt mục tiêu hàng đầu trong thực hiện Chương trình này là phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhân rộng các điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo, tạo sức lan tỏa trong xã hội…

Chí Tâm

Từ khóa: