Quán quân: Tấm vé giúp nhiều người “từ zero thành hero”
Nhiều năm gần đây, các cuộc thi tìm kiếm tài năng trong nhiều lĩnh vực: thể thao, tri thức, âm nhạc, diễn xuất… liên tục được tổ chức.
Có thể kể đến rất nhiều cuộc thi được khán giả quan tâm như: Đường lên đỉnh Olympia, VietNam’s got talent, Vietnam Idol, The Voice, The Face, Thách thức danh hài, Chuông vàng vọng cổ…
Mỗi năm có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm quán quân “ra mắt” khán giả. Dễ dàng nhận thấy, chỉ với danh hiệu quán quân, rất nhiều người đã trở nên nổi tiếng, thậm chí có thể thay đổi cuộc đời.
Khi mới 12 tuổi, Quang Anh xuất sắc vượt qua Phương Mỹ Chi trở thành quán quân Giọng hát Việt nhí 2013.
Đơn cử, ở cuộc thi The Voice Kids mùa đầu tiên, Nguyễn Quang Anh (khi đó 12 tuổi) giành giải quán quân. Xuất thân là con út trong gia đình khá khó khăn tại Thanh Hóa, Quang Anh thậm chí còn chật vật mới có đủ tiền để dự thi The Voice Kids. Thế nhưng, với danh hiệu quán quân và số tiền thưởng 500 triệu đồng, cậu bé nhanh chóng nổi tiếng, được ký hợp đồng với công ty Cát Tiên Sa, liên tục xuất hiện ở các show ca nhạc đình đám và còn giúp mẹ sửa nhà.
Hay trường hợp Lê Thị Dần sinh năm 1977 tại Thanh Hóa, tham gia Thách thức danh hài 2015 và giành danh hiệu quán quân. Sau cuộc thi, chị lập tức xuất hiện trên nhiều trang thông tin với những danh xưng “cô gái dân tộc”, “ngôi sao vi diệu”…
Từ một người phụ nữ chân chất, chỉ học hết lớp 7 và sống nhờ nghề làm kẹo nhãn, chăn nuôi, phụ chồng cắt tóc, Lê Thị Dần có một thời gian dài sống trong ánh hào quang, thay đổi hoàn toàn cuộc sống trước đó. Chị liên tục chạy show, còn xuất hiện trên nhiều sân khấu cùng những tên tuổi hot như Trấn Thành, Trường Giang, Quang Tèo…
Rõ ràng, danh hiệu quán quân của một cuộc thi tìm kiếm tài năng đã giúp họ “một bước thành sao”. Sức hút từ danh hiệu quán quân cũng khiến truyền thông quan tâm, săn đón những tài năng mới này nhiều hơn, đem họ tới gần với khán giả hơn.
Với sự quan tâm của khán giả, sự săn đón của truyền thông, các quán quân cũng dễ dàng thu hút cơ hội được tỏa sáng, được học hỏi và phát triển tài năng của mình.
Nói cách khác, danh hiệu quán quân thực sự là “tấm vé vàng” giúp các tài năng mới nổi mở ra nhiều cơ hội kiếm được công việc ưng ý và thu nhập tốt hơn, từ đó họ có những bước đi thuận lợi hơn hẳn để vươn tới thành công.
Để thực sự thành công, chỉ danh hiệu quán quân liệu có đủ?
Tuy nhiên, cơ hội thường đi liền với thách thức và quyền lợi luôn phải gắn với trách nhiệm. Khi trở thành quán quân, mỗi tài năng mới phải đứng trước thử thách rất lớn: Giữ được hào quang, vị thế của chính mình.
Rõ ràng, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cộng thêm việc các cuộc thi mọc lên như nấm sau mưa, danh hiệu quán quân không thể là “tấm giấy thông hành” cả đời cho mỗi tài năng mới. Bản thân họ cũng phải hoàn thiện mình, phải thích nghi với vị thế mới và giữ gìn được danh tiếng, hào quang của mình.
Thực tế đã chứng minh, danh hiệu quán quân chỉ có “thời hạn sử dụng” rất ngắn, bởi sức cạnh tranh quá lớn từ chính cuộc thi họ từng đăng quang và cả những cuộc thi khác luôn có điểm mới mẻ, thu hút hơn. Do đó, mỗi quán quân muốn giữ được độ hot cho mình, cần có sự chuẩn bị, bắt nhịp nhanh chóng với thị trường, với công chúng và đặc biệt là không thể “ngủ quên trên chiến thắng”.
Yasuy chiến thắng Vietnam Idol 2012 bởi giọng ca truyền cảm, mộc mạc cũng như sự chân thật của anh.
Trong làng giải trí Việt không thiếu những người từng rất được kỳ vọng với ngôi vị quán quân nhưng lại “chìm nghỉm” chỉ sau một thời gian ngắn đăng quang. Đó là những trường hợp đầy đáng tiếc như: Đức Vĩnh (quán quân Việt Nam’s got Talent 2015), Nhật Thủy (quán quân Vietnam Idol 2014), Ya Suy (quán quân Vietnam Idol 2012), Cao Bá Hưng (quán quân Bài hát hay nhất 2016)…
Trên thực tế, để thành công trong làng giải trí, danh hiệu quán quân của một cuộc thi nào đó chắc chắn là viên gạch vững chắc để xây nền móng cho một ngôi sao. Nhưng, chỉ có danh hiệu quán quân thôi, là chưa đủ! Để duy trì độ hot cho mỗi ngôi sao trong làng giải trí cần có đủ các yếu tố: Tài năng, danh tiếng, chiến lược phát triển, sự đam mê, nỗ lực và một chút may mắn.
Nếu chỉ có tài năng và danh hiệu quán quân, ngôi sao không thể duy trì thành công lâu dài trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như làng giải trí. Họ cần phải giữ được ngọn lửa đam mê với lĩnh vực mình theo đuổi để từ đó luôn nỗ lực, tự làm mới bản thân và hoàn thiện mình trong mắt khán giả.
Thêm vào đó, chiến lược phát triển phù hợp cũng là điều kiện quan trọng. Để có được chiến lược tốt, họ cần có đội ngũ phù hợp hỗ trợ, cần có sự dìu dắt, nâng đỡ từ các bậc tiền bối.
Không phải ngẫu nhiên những tên tuổi như Mỹ Tâm (đứng đầu nhiều cuộc thi: Liên hoan tiếng hát Miền Trung và Tây Nguyên, huy chương vàng Giọng hát hay Xuân 1997 toàn thành phố Đà Nẵng, quán quân Giọng ca vàng do báo Mực Tím 1998…), Hồ Quỳnh Hương (quán quân Giọng hát hay Sinh viên Toàn quốc 2000, quán quân Tếng hát Truyền Hình Hà Nội 2002…), Hòa Minzy (quán quân Học viện ngôi sao 2014)… có thể thành công và giữ được độ hot đến thời điểm hiện tại.
Nếu không có định hướng phát triển, không có đam mê và sự dấn thân để liên tục làm mới mình, tung ra nhiều sản phẩm âm nhạc tốt, không có sự nỗ lực hoàn thiện từ giọng hát, phong cách, lối sống… rõ ràng những tên tuổi nói trên không thể trở thành cái tên được khán giả yêu mến đến vậy.
Bên cạnh đó, rất nhiều nghệ sĩ không giành được ngôi vị quán quân, thậm chí bị loại sớm ở các cuộc thi như Đàm Vĩnh Hưng, Phương Mỹ Chi, Sơn Tùng MTP… nhưng nhờ nỗ lực, nhờ định hướng phát triển tốt, đến nay họ đều là những gương mặt đình đám của làng nhạc Việt.
Một ví dụ khác cho thấy định hướng phát triển, sự đam mê rất quan trọng với sự nghiệp của một ngôi sao, đó là trường hợp của Hoài Lâm. Anh từng giành ngôi vị quán quân Gương mặt thân quen 2014 và hoạt động với tư cách ca sĩ theo đuổi dòng nhạc Bolero.
Bản thân Hoài Lâm khá may mắn khi có sự dìu dắt của 2 ngôi sao lớn là Hoài Linh và Đàm Vĩnh Hưng. Thời điểm anh ra mắt công chúng cũng là khi dòng nhạc Bolero đang rất được ưa chuộng.
Có thể nói, Hoài Lâm có đầy đủ tài năng, may mắn, đường hướng phát triển và sự nâng đỡ tuyệt vời mà không phải ngôi sao nào cũng có. Nhờ vậy, anh nhanh chóng nổi tiếng và nhận được sự yêu mến nồng nhiệt từ khán giả.
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, anh đánh mất thiện cảm với một bộ phận khán giả vì ồn ào tình cảm với Lư Hoàng Bảo Ngọc – cháu gái nghệ sĩ Bảo Quốc và thừa nhận từng sử dụng chất kích thích.
Không chỉ có đời tư ồn ào đời tư, Hoài Lâm cũng bị chỉ trích không ít khi liên tục hủy show, thậm chí bỏ cả show diễn của Đàm Vĩnh Hưng – người hết lòng hỗ trợ anh vực dậy sự nghiệp. Nam ca sĩ trượt dài trong ồn ào, đánh mất niềm tin của khán giả vì anh không còn cho công chúng thấy nhiệt huyết của anh với âm nhạc nữa.
Khi chỉ mới 19 tuổi, Hoài Lâm trở thành Quán quân chương trình Gương mặt thân quen 2014 và nhận giải thưởng trị giá 700 triệu đồng từ Ban tổ chức.
Rõ ràng, danh hiệu quán quân là bước đệm rất vững vàng, là “tấm vé vàng” cho các tài năng mới phát triển bản thân, song, để duy trì hào quang, có chỗ đứng trong lòng khán giả, bản thân họ cần nỗ lực, nghiêm túc và có tư duy nhạy bén hơn với lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Nhắc tới danh hiệu quán quân của các ngôi sao trẻ, NSND Thanh Nam – người có hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật cải lương và diễn xuất bày tỏ: “Các danh hiệu từ bất cứ cuộc thi nào cũng chỉ là bước khởi đầu. Không phải cứ có danh hiệu là ra thành nghệ sĩ được”.
Nam nghệ sĩ nhận định: “Tôi mong các em đã đi thi, đạt được giải thưởng, danh hiệu rồi thì phải chịu khó thêm nữa, đừng thỏa mãn sớm quá. Người nghệ sĩ muốn thành danh khó lắm, cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm sàn diễn, tâm huyết để nghề phát triển. Một nghệ sĩ thực thụ phải hát hay, diễn giỏi, có duyên và nhất là phải rèn luyện đạo đức, để khán giả thương mình - không phải chỉ thương nhân vật trên sân khấu mà phải thương cả con người thật của mình nữa”.
Thảo Nguyên