Xã hội
Quảng Nam: Thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội
08:47 PM 18/03/2022
(LĐXH) - Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày càng đạt hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tặng quà cho trẻ em Làng Hòa Bình Quảng Nam
Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 96.907 người, với tổng kinh phí thực hiện: 251.806 triệu đồng, bao gồm: Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng 351 trẻ em; Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất 74 người; Người đơn thân nghèo đang nuôi con 1.839 người; Người cao tuổi 41.244 người; Người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật 53.368 người. Trong năm 2021, tỉnh đã thực hiện trợ cấp mai táng phí đối với 3.031 người, kinh phí 16,366 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng, tỉnh đang thực hiện trợ cấp đối với 12.975 cá nhân, hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, tổng kinh phí thực hiện là 22.746 triệu đồng. Chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, toàn tỉnh có 03 cơ sở trợ giúp xã hội công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc 561 đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 3,719 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ (kết quả thực hiện từ tháng 7-12/2021), trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và công văn hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời ban hành các quyết định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng và mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ. Theo đó, đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng 98.091 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí thực hiện: 329.634 triệu đồng; thực hiện trợ cấp mai táng phí đối với 2.545 người, với tổng kinh phí là 15,952 tỷ đồng. Ngoài trợ cấp xã hội hàng tháng các đối tượng bảo trợ xã hội còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Thực hiện trợ cấp đối với 13.545 cá nhân, hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, tổng kinh phí thực hiện là 30.245 triệu đồng. Thực hiện nuôi dưỡng tập trung khoảng 557 đối tượng tại 03 cơ sở bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 4,857 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 07 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do cấp huyện trực tiếp quản lý, thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật với tổng số hơn 300 đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (
Trong công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp, trong năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 2.129,520 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ; UBND tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho nhân dân gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021: 975 tấn/24.045 hộ/56.125 khẩu; hỗ trợ cho nhân dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19: 1.154,520 tấn/40.067 hộ/75.885 khẩu. Ngoài ra, một số địa phương đã bố trí ngân sách của địa phương để mua 47,56 tấn gạo và huy động từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ được 21 tấn gạo để hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn.
Các địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí được UBND tỉnh phân bổ từ đầu năm đã chủ động hỗ trợ kịp thời cho những hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn... theo mức hỗ trợ quy định hiện hành. Năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ đối với 94 người chết, 15 người bị thương nặng, 26 hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy và 121 hộ gia đình có nhà bị hư hỏng nặng do mưa giông, lốc xoáy, sấm sét…
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội có nhiều thuận lợi do hệ thống văn bản của Trung ương về chính sách trợ giúp xã hội ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp, mở rộng đến các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khác được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống đối tượng bảo trợ xã hội. Thêm vào đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương nên việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (số 43/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021). Bên cạnh chính sách trợ giúp theo quy định của Nhà nước, đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, hoà nhập cộng đồng cho đối tượng.
Để việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội được kịp thời, đáp ứng yêu cầu của đối tượng, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Lao động - TBXH sớm điều chỉnh phần mềm http://misposasoft.molisa.gov.vn/ cho phù hợp và đầy đủ thông tin các nhóm đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Quan tâm tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng (bao gồm trực tuyến và trực tiếp) về chuyên môn, nghiệp vụ công tác bảo trợ xã hội cho cán bộ làm công tác này ở địa phương để góp phần thực hiện tốt, đúng quy định các chính sách trợ giúp xã hội; Quan tâm phân bổ một phần kinh phí, tạo điều kiện nâng cấp và bổ sung, thay mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh trực thuộc Sở Lao động – TBXH như: Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam, Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam, Làng Hoà Bình Quảng Nam, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đối tượng lang thang tâm thần nguy hiểm, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp theo quy định./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: